Chuyện lắng nghe

Chuyện lắng nghe

Chuyện lắng nghe

Khi nói đến chuyện làm sao để cải thiện khả năng giao tiếp, mình thường được nghe những lời khuyên như “mình nên nói như thế này, rồi làm những cái kia…” để gây sự ấn tượng, bản thân mình cũng có 1 thời gian thực hiện những việc đó, và cảm thấy nó trống rỗng sao sao ấy, kiểu mình không thấy cuộc giao tiếp đó thú vị, cứ như chỉ một mình mình độc diễn hoặc mạnh ai nấy nói. Từ đó mình hiểu rằng trước khi mình học những cái được khuyên như trên để cuộc giao tiếp trở nên thú vị, thì mình cần phải hiểu bản thân mình trước đã, cụ thể hơn là lắng nghe.

Lắng nghe ban đầu khi nghe thấy dễ nhưng khi thực hành mới thấy khó,nhất là đối với một đứa hay suy nghĩ nhiều như mình, lúc trước mặc dù mình ngồi đối diện nghe bạn mình nói, nhưng đầu óc mình thì đang ở một nơi nào đó làm những chuyện khác, hoặc mình suy nghĩ nên đưa ra lời khuyên cho bạn như thế nào các kiểu, cuối buổi bạn có feedback cho mình là bạn cảm thấy mình không có thật sự lắng nghe bạn. Rồi thời gian gần đây, mình hay đi nghe pháp thoại, thực hành thiền, và tìm hiểu thêm về các vấn đề tâm lý, mình nhận ra được rằng chúng ta (đa số) đều không thích nhận lời khuyên khi đang tâm sự, chúng ta chỉ muốn nhận lời khuyên khi và chỉ khi chúng ta yêu cầu. Khi đang trong cuộc trò truyện, chúng ta đều chỉ mong người kia lắng nghe mình để mình có thể giải bày những cảm xúc bên trong. Khi chúng ta được chia sẻ những cảm xúc của mình, tự động cảm thấy nhẹ lòng và tự tìm ra được giải pháp, chứ không nhất quyết là phải cần bạn đưa ra lời khuyên. Trong quá trình mình đi coach hay tư vấn, mình tập không đưa ra lời khuyên, mà chỉ tập trung lắng nghe những điều bạn mình nói, và khi có những vấn đề thật sự mình không biết phải giải quyết như thế nào, mình chỉ im lặng lắng nghe bạn, mà không đưa ra lời khuyên hay phán xét nào cả. Khi mình tập trung lắng nghe thì mình có cơ hội thấu hiểu bạn mình hơn, mình tập trung vào câu chuyện của bạn, và bạn cám ơn mình, dù mình không hề đưa ra lời khuyên nào cho bạn, bạn chia sẻ đã lâu lắm rồi bạn mới có cảm giác được người khác lắng nghe như vậy. Khi cảm thấy được lắng nghe, bạn mình sắp xếp lại được cảm xúc và tinh thần để có thể giải quyết khó khăn của bạn trong hiện tại, lúc đó mình mới hiểu sức mạnh thật sự của việc lắng nghe là như thế nào.

Khi tập lắng nghe, cái mà mình thấy khó nhất đó là kiềm hãm ham muốn nói lại, trong chúng ta ai cũng có những lúc mong chờ người kia nói cho xong để chúng ta có thể nói lại bằng những luận điểm, dẫn chứng khá thuyết phục để chứng minh rằng bản thân mình đúng. Nhưng khi tụi mình làm vậy thì có thể tụi mình đã thắng trong cuộc tranh cãi nhưng tụi mình đã thua trong việc xây dựng mối quan hệ, và sau này người bạn đó cũng sẽ không còn thoải mái khi chia sẻ với mình nữa. Thế nên đối với mình, để lắng nghe tốt thì điều cần làm đó làm kìm hãm việc ham muốn nói lại và tập trung vào người đối diện nhiều hơn, lắng nghe mà không phán xét, không cần phải đưa ra lời khuyên gì cả, mình chỉ chú tâm nghe người kia nói thôi, như vậy họ cảm thấy được lắng nghe và muốn chia sẻ nhiều hơn nữa và cuộc giao tiếp sẽ thú vị hơn rất là nhiều. Bên cạnh đó, trong quá trình bạn mình chia sẻ, không phải chỉ im lặng và nghe, mà đôi khi chúng ta cũng nên “phát tín hiệu” để bạn mình biết là mình đang lắng nghe họ bằng cách nhìn vào mắt họ khi đang chia sẻ, phản hồi ngắn gọn như “à, ừm, mình hiểu…” hoặc đôi khi trong quá trình bạn chia sẻ mà mình chưa rõ, mình có thể thuật lại lời bạn nói và hỏi xem mình hiểu như vậy có đúng ý của bạn hay chưa, nếu chưa thì bạn sẽ giải thích lại để tránh 2 bên hiểu lầm trong khi nói.

Cuối cùng là lắng nghe mà không phán xét, đối với mình, việc người ta tìm đến mình chia sẻ chứng tỏ rằng họ tin tưởng mình nên mới tìm đến mình, thế nên mình rất biết ơn họ và dành sự lắng nghe trọn vẹn cho họ, khi nghe mình không phán xét họ làm vậy đúng hay sai hay chỉ trích. Thay vào đó mình chấp nhận họ, cứ thế mà “lắng” lòng xuống để “nghe” họ mà không thành kiến, không phán xét, không phiền não.

Có một bài thơ bản thân mình rất tâm đắc khi mình học về kỹ năng lắng nghe, mình xin trích ra tặng bạn đọc:

XIN LẮNG NGHE

Khi tôi đề nghị bạn nghe tôi,

Bạn bắt đầu khuyên bảo đủ điều,

Không thèm nghe tôi nói.

Khi tôi đề nghị bạn nghe tôi,

Bạn bắt đầu tuôn ra lí lẽ.

Tôi cảm thấy bạn không nên như vậy,

Bạn giày xéo lên những cảm xúc của tôi.

Khi tôi đề nghị bạn nghe tôi,

Bạn cho rằng bạn phải làm gì đó

Để giải quyết vấn đề của tôi.

Bạn làm tôi thất vọng.

Nghe như thế có vẻ lạ.

Nhưng xin hãy lắng nghe,

Đó là tất cả những gì tôi muốn.

Đừng nói hay làm gì cả, chỉ cần lắng nghe