Khi thế giới ngày càng hội nhập thì mong muốn được đi đây đi đó để nhìn ngắm thế giới của các bạn trẻ ngày càng mạnh mẽ hơn. Với một đất nước còn nghèo như Việt Nam, đồng tiền chưa thật sự có giá trị như nhiều nước khác thì việc đi du lịch nước ngoài là điều khó khắn vì chi phí khá đắt đỏ. 

Vậy thì làm thế nào để vừa có thể đi du lịch, vừa trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài mà lại vừa tiết kiệm chi phí? Đó chính là đi tình nguyện. Nhưng đi tình nguyện thì làm sao đi du lịch được chứ??? Vâng, có thể đấy. 

Hiện nay có rất nhiều tổ chức tình nguyện giúp các bạn vừa có thể làm tình nguyện để đổi lấy chỗ ở, đồ ăn; vừa có thời gian đi du lịch. Một trong số đó có thể kể đến là: WWOOF, WORKAWAY, HEPLX,… Hôm nay mình sẽ giới thiệu cho các bạn về WWOOF. Vậy WWOOF là gì?

WWOOF là gì?

WWOOF (viết tắt của World Wide Opportunities on Organic Farms) là 1 tổ chức giúp kết nối giữa các tình nguyện viên (TNV) và hàng ngàn nông trại hữu cơ trên toàn thế giới tại hơn 100 quốc gia. WWOOF sẽ có 2 loại:

1. WWOOF độc lập: nghĩa là mỗi quốc gia sẽ có 1 trang web riêng, có ban quản trị riêng, không liên quan đến những quốc gia khác. Hầu hết các quốc gia phát triển về ngành nông nghiệp đều theo hình thức này. Ví dụ như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan,…

2. WWOOF phụ thuộc (WWOOF Independents): nghĩa là các quốc gia không có trang web riêng thì sẽ đăng ký lên trang web chung của WWOOF này. Việt Nam, Indonesia, Lào,… là 1 trong số đó.

Các bạn có thể truy cập trang web này, sau đó chọn quốc gia bạn muốn tình nguyện, nó sẽ hiện ra trang web WWOOF của quốc gia đó, nếu quốc gia đó không có trang web riêng, thì nó sẽ dẫn link đến WWOOF Independents nhé.

Vậy 2 loại này khác biệt ở chỗ nào? Các bạn muốn lấy được thông tin liên hệ với nông trại (mình sẽ gọi là host) thì các bạn phải đóng phí thường niên. Tùy vào từng trang web mà số phí sẽ khác nhau. Nếu các bạn đóng phí trên trang web phụ thuộc thì các bạn có thể đi tình nguyện đến tất cả các nước trong đó, nhưng nếu quốc gia bạn muốn đến có WWOOF độc lập thì bạn phải đóng phí cho riêng cho tổ chức đó thôi, nếu đi qua nước khác lại phải đóng phí tiếp.

WORKAWAY là gì?

Qua kinh nghiệm của mình thì: Nếu các bạn cực kỳ thích làm việc ở các nông trại thì có thể tham gia WWOOF, còn nếu không các bạn có thể tham gia tổ chức gọi là WORKAWAY. Tổ chức này tương đối giống WWOOF; tuy nhiên WORKAWAY sẽ có nhiều lĩnh vực cho bạn lựa chọn như: Tình nguyện ở khách sạn, hostel, trường học, ở các tổ chức bảo vệ động vật, tình nguyện ở nhà người bản địa, các dự án NGO,… 

Và tất nhiên vẫn có các nông trại tuy nhiên không nhiều như WWOOF. Và mình nghĩ cho dù các bạn tình nguyện theo tổ chức nào thì điều quan trọng nhất vẫn là trải nghiệm của bản thân, không hẳn bạn thích nông trại thì làm nông trại sẽ vui. Tất cả còn phụ thuộc vào host, vào văn hóa của nơi bạn đến và tùy thuộc vào các TNV làm chung với bạn.

Lưu ý khi tham gia WWOOF?

Thời gian làm việc: Trung bình 4-6h/ngày, 6 ngày/tuần. Các bạn có thể làm từ vài ngày cho đến vài tháng. Độ dài tùy thuộc vào host. Host sẽ nói rõ thời gian chấp nhận tình nguyện trên trang web.
Chỗ ở và đồ ăn: Các bạn được cung cấp chỗ ở và đồ ăn miễn phí tùy thuộc vào điều kiện của mỗi nông trại, và tất nhiên sẽ được nêu rõ trên trang web.
Thù lao: Tất nhiên là không có vì bạn đi tình nguyện mà. Và lý do chính vẫn là nếu bạn được trả tiền thì sẽ vi phạm luật đấy, vì muốn làm việc được trả lương phải có visa làm việc đàng hoàng nhé.
Về việc xin visa: Các bạn phải chủ động xin visa đối với những nước yêu cầu visa, host và WWOOF không hỗ trợ xin visa cho TNV. Các bạn cứ xin visa du lịch là ok. Miễn các bạn lưu trú đúng thời hạn là được.
Làm sao tôi biết được nông trại đó có an toàn, có ‘nice’ không? Vâng, đây là điều mà nhiều TNV thắc mắc. Ở dưới thông tin của mỗi host sẽ có review của các TNV trước đó. Các bạn đọc cho kỹ và xem xét, điều gì còn thắc mắc bạn có thể gửi mail cho host để biết thêm thông tin. Hầu như mỗi tổ chức WWOOF hàng năm đều có đánh giá lại host có minh bạch, an toàn không. Vậy nên các bạn cứ yên tâm.
Tôi có chịu chi phí gì khi tham gia WWOOF? Các bạn phải chịu chi phí xin visa, bảo hiểm du lịch, vé máy bay và chi phí để di chuyển đến nông trại. Một số host, đặc biệt ở Thái Lan sẽ yêu cầu các bạn đóng thêm tiền để hỗ trợ chi phí ăn uống hàng ngày nhưng không nhiều (<100k/ngày). Nếu có tốn thêm bất cứ chi phí nào thì host sẽ nói rõ điều đó trước trên trang web.
Nếu tôi đến đó và không thích nơi đó thì sao? Bạn có thể làm việc thử trong 1 ngày, nếu các bạn không thích có thể từ chối tình nguyện ở đó. Bạn hãy thỏa thuận trước với host nhé.

Làm thế nào để tham gia WWOOF?

Bước 1: QUAN TRỌNG NHẤT đó là xin visa nếu nước đó không miễn visa cho Việt Nam. Xin được visa thì mới tính tiếp nhé.

Bước 2: Điền form và đóng phí thường niên. Các bạn phải chuẩn bị thẻ Master Card hoặc Visa hoặc Paypal để thanh toán. Sau khi thanh toán xong khoản 1,2 ngày (tùy thuộc vào mỗi quốc gia) sẽ có mail chấp nhận và bạn sẽ xem được thông tin liên hệ với host.

Bước 3: Liên hệ host. Các bạn gửi mail cho nơi bạn muốn tình nguyện, nói rõ thời gian bạn muốn tình nguyện, kỹ năng các bạn có và mong muốn được tình nguyện ở đó. Thông thường các host sẽ trả lời trong vòng 1-3 ngày. Nếu không thấy trả lời, bạn có thể liên hệ với ban quản trị để complain.

Bước 4: Mua vé máy bay và lên đường thôi. Các bạn nên liên hệ lại với host 1 ngày trước khi bạn đến để thỏa thuận về thời gian và địa điểm đón nhé.

Lưu ý, WWOOF của mỗi quốc gia sẽ có những quy định riêng. Các bạn nhớ đọc kỹ để sau này gặp vấn đề gì còn dễ giải quyết nhé.

Trên đây là những thông tin cơ bản về WWOOF thôi. Bài sau mình sẽ viết tiếp về kinh nghiệm WWOOFing của mình ở Hàn Quốc, chuẩn bị gì trước khi đi và review về những nông trại mình đã tình nguyện cũng như những nông trại mình nghe các bạn TNV khác kể lại. Các bạn hãy cùng đón xem. Nếu mình làm kịp video về nông trại đó, mình sẽ up lên cho các bạn xem ở bài sau nhé. Hẹn gặp lại các bạn ở kỳ 2.