Mẹ từ bên thôn Đông về làm dâu xóm bên cạnh, cách con đê giăng đầy cỏ may, lập gia đình ở tuổi hai mươi và sinh con ra khi vừa hai mươi mốt; yêu thương con và các em bằng chính tình cảm mộc mạc của những người nông dân.

Bởi năm nào con cũng có tên trong danh sách tuyển Văn của trường đi thi Học sinh Giỏi Huyện/Tỉnh, nên dù gia cảnh nghèo nàn nhưng bao nhiêu tiền có được, mẹ đều dành dụm mua sách cho con.

Con tám tuổi, lên nhà dì chơi, thấy dì đang sắc thuốc thơm lừng Bắc, ngó vào bếp thấy có tờ báo gói đang cháy dở, vội đi lấy que cào ra dụt lửa ngồi góc bếp đọc. Mẹ đi qua nhìn thấy, về đi mua cho mấy quyển truyện.

Con mười tuổi, trưa nóng cầm quyển sách ngồi từ bờ nọ sang bụi kia đọc sách cho mát. Không quyển nào đọc dưới trăm lần, đọc đến nỗi thuộc từ trang đầu đến trang cuối. Mẹ ra vườn hái ổi, cam, chanh … mang ra chợ bán. Trưa về rất trễ, con hỏi không bán được hàng à. Mẹ bảo bán sạch từ sáng. Con hỏi thế sao mẹ về muộn vậy. Mẹ đưa cho mấy quyển sách nói, Mẹ đi lựa sách cho con

Con mười hai tuổi, cùng với một bạn Nữ khác là hai học sinh hiếm hoi của Khối đạt học sinh Tiên tiến Xuất Sắc. Quà Mẹ tặng, lại là những cuốn sách, những cuốn sách để đời có tên “Ngữ pháp tiếng Anh – Mai Lan Hương” đến tận bây giờ con còn nhớ. Cũng năm ấy Bố bị tai nạn giao thông, cuộc sống có đảo lộn. Nhưng tận cùng những cực khổ, con biết mẹ tự hào về người con gái cả của mình, phải không mẹ?

Rồi cũng năm ấy, con một tay bế em trai vừa lên 5, tay kia dắt em gái 9 tuổi, đứng nhìn mãi tới khi bóng Mẹ xa khuất luỹ tre làng ??? Bờ đê ấy, con mương ấy, cánh đồng bạt ngàn lúa ấy, thời thơ ấu ấy … Thật lòng con muốn mượn tựa đề bài hát đang nổi của Bảo Anh để chế đi một chút “Sống xa Mẹ chẳng dễ dàng!” ?

Chị em con đã nương nhau mà sống trong nhiều năm như thế, nơi không có đèn đường, chưa có điện thoại di động cầm tay, mỗi cuộc gọi từ xa về đều là gọi đến những nhà có điện thoại cố định, nhờ kêu chúng con đến nghe, chúng con đến nghe xong trả 2 nghìn đồng rồi ra về. Mỗi lần nghe tiếng Mẹ qua điện thoại, con muốn oà lên khóc nức nở mà sợ mẹ đau lòng nên bấm môi thật chặt để nước mắt không rơi. Mặc dù hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng bằng những lời dạy bảo của mẹ, tinh thần mà mẹ luôn truyền cho, ba chị em con đã trưởng thành một cách tử tế, đầy tình cảm, sống tốt, yêu đời, thương người như cách mà Mẹ sống.

Con mười bốn tuổi, mẹ gửi tiền nhờ người mang đến, đưa con ra Nhà sách ngoài Thị xã, đứng tần ngần trước quyển sách dày cộp có giá 300 ngàn, thích lắm nhưng rồi lại quay lưng đi, lựa những quyển khác thấy vừa hơn. Mẹ nói con thích mua gì cứ mua, con nói thôi, sau này con lớn sẽ làm ra nhiều tiền để mua tất cả những quyển sách con cần! Vất vả nắng mưa một đời Mẹ đã dành hết cho con.

Con mười sáu tuổi, vì học khá Tiếng Anh nên mẹ nhờ người mua mang đến nhà cho cuốn Từ điển Oxford Dictionaries siêu dày, một máy cát-sét và nhiều băng đĩa Tiếng Anh luyện nghe. Biết những tảo tần Mẹ cứ vun vén dành cho con, con suốt đời không quên.

Rồi con đậu Đại học, rồi con ra trường, các em cũng dần lớn. Khi chúng ta đoàn tụ giữa thành phố mang tên Bác, em gái quyết định lên xe hoa với mối tình 5 năm của mình, em trai đã trở thành sinh viên Đại học, con lại muốn gác lại những năm tháng đã bộn bề lo toan cho gia đình, cho các em và lên đường theo đuổi nghề nghiệp mà mình mơ ước, trở thành một giáo viên ngoại ngữ. Ngày đó nếu con lên đường, xác định là phải ngoài 30 mới hoàn tất sự học, nhưng Mẹ đã chẳng ngần ngại mà đồng ý bảo con hãy lựa chọn những gì con muốn, con cần, tốt cho cuộc đời con.

Với con, sự thoát ly nào cũng có giá trị và chuyến đi làm ăn xa sớm ấy của Mẹ chính là sự đổi đời hôm nay của cả gia đình. Bao nhiêu năm qua, đêm nằm nghĩ lại, thấy thương mình một lại thương Mẹ mười. Cứ thế mà tần tảo hi sinh lặng lẽ.

Con cũng thấy mình trưởng thành và dịu dàng lên mỗi ngày bằng việc biết trân trọng tất cả những dung dị đời thường như thế. Con khó yêu khó thương, kiểu rất khó để mở lòng (dù thực sự là người hoạt ngôn, hòa đồng), ít khi dành tình cảm cho ai, bởi nhiều lý do, bởi sợ yêu/ mến/ tin sai người, chơi nhầm bạn, lấy nhầm chồng, sợ bước hụt chân. Nhưng nếu đã là người con thương yêu, quý mến, thì con luôn mong muốn được nói to cho cả thế giới biết, rằng đấy là người con thương và rằng, con trân trọng tất cả những gì thuộc về con người ấy! ^^

Lời cám ơn sâu sắc nhất trong cuộc đời, con luôn muốn gửi đến gia đình – dù sống gần hay sống xa cũng đều là người đồng hành sắt son cùng con đi qua bao thăng trầm, sóng gió. Để có được ngày bình yên hôm nay, chúng mình đã đánh đổi quá nhiều nước mắt và nỗi đau, quá nhiều cách trở về địa lý nhưng tình cảm chưa bao giờ xa cách. Con và các em đã trưởng thành, trở thành những cô gái – chàng trai bản lĩnh, mạnh mẽ, tử tế, hướng thiện; hi vọng quãng thời gian về sau của nhà mình là những tháng năm bình yên & hạnh phúc.

“Chọn con đường xa gia đình, để ngày trở về được sống gần hơn!” – Chuyến đi xa này, ngày về nhất định huy hoàng. Chính gia đình mình là động lực để con nỗ lực bứt phá trong 18 tháng qua, ở xứ người, con khiến chủ nhà, sếp, hàng xóm mắt tròn mắt dẹt với tần suất học và làm thêm dày đặc, ai cũng nói vô cùng yêu thương và tự hào về con, và mong “Kim Anh chăm chỉ của chúng ta sẽ gặp một người thật phù hợp, sống một cuộc đời thật hạnh phúc”. Con đã cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp chương trình Cao cấp, đã tự lo cuộc sống của mình ở xứ người, đã nuôi em trai học Đại học trong những năm này và sẽ giữ lời hứa “chỉ cần em còn học, chị còn lo cho” ^^

Cả nhà chờ con nhé
Việt Nam chờ Kim Anhh nhé
Yêu, thương và nhớ.

Con gái cả của Mẹ,
#KimAnhh_v100tu

(Ảnh: em trai chụp ảnh Mẹ đang chụp ảnh chị cả ??)

(Mọi người đọc có gì chưa hay thì gạch đá nhẹ giùm mình nhé. ^^ Nếu mọi người không chê, bài tiếp theo mình xin được kể về quãng tuổi thơ ba chị em nương nhau sống trong căn nhà nhỏ giữa làng quê khi ấy, và dù mình là người chị cả được người quen mang ra làm tấm gương “con nhà người ta” thì thực sự mình lại là cô gái vàng trong làng siêu vụng ạ. ?? Nhá hàng hàng luôn:

Chuyện cái sự vụng

Như mình hay nói thì mình thuộc dạng con gái lắm khuyết điểm, khuyết điểm nhiều đến nỗi mình luôn nghĩ, nếu ai đó chấp nhận yêu thương và lấy mình, mình sẽ cố gắng nhường nhịn anh ấy nhiều hơn một chút, chịu vất vả thêm một chút không sao. Bởi lẽ, lấy người như mình là anh ấy đã chịu thiệt thòi rồi.

Khuyết điểm của mình, cũng khiến mình luôn nơm nớp lo, rằng một ngày nào đấy đi làm dâu nhà người, có khi sẽ bị mẹ chồng úp cho cả cái nồi lên đầu vì tội vụng.

Gia đình mình sống với mình hai mấy năm, đã bất đắc dĩ chấp nhận những khuyết điểm của mình “như một thói quen”, nhưng người dưng trong thiên hạ, mình e là không nhiều người làm được điều đó.

Mình năm tuổi, leo trèo làm sao bể luôn một cái lu to hơn người mình, không thương tích gì nhưng lu bể tanh bành. Mẹ mình về thấy, hỏi như nào đây, mình thấy con gà mái đang đi bới thức ăn gần đấy, mới chỉ con gà mà đổ tội cho nó.

….