Tự lên kế hoạch tình nguyện 1 tháng ở Thái Lan với chi phí 3 triệu – Huỳnh Quyên

Sau khi bài viết về GAP YEAR mình đăng tải trong 1 vài group có rất nhiều bạn hỏi mình về các chương trình mình đưa ra. Nhiều bạn quá dè dặt về GAP YEAR vì cứ nghĩ nó xa xôi, thiếu thực tế, tốn kém chi phí và cả tốn chi phí cơ hội. Thật sự để mà nghỉ 1 năm không làm gì lang bạt nay đây mai đó thì rất khó và phải lên kế hoạch chi tiết, tiết kiệm 1 khoảng kha khá.

Thay vì đó hãy chọn GAP MONTH. Hãy thử GAP MONTH để thấy mình có hợp với việc lang bạt không, nếu thích hãy tiếp tục đi, nếu không hay dừng lại và tiếp tục sự nghiệp của mình. Nhiều bạn sau khi ra trường đi làm rồi lại chán nản, thấy bạn bè đi đây đi đó, rồi cũng háo hức muốn làm theo, khi đó bạn lại từ bỏ những cơ hội tốt để phát triển bản thân mà bạn đang có. “CỎ LUÔN XANH Ở ĐỒI BÊN KIA” mà. Vậy nên đó là lý do mình khuyên bạn nên đi sớm để thấy rằng mình có hợp không và mình có thể học được gì từ những chuyến đi đó nhé.

Trong số những chương trình mình giới thiệu thì WWOOF và WORKAWAY là được nhiều bạn hỏi và cũng dễ đi nhất. “Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng những bước chân đầu tiên”. Hôm nay mình sẽ hướng dẫn các bạn sinh viên trải nghiệm 1 tháng ở Thái Lan với chi phí rẻ hơn cả chi phí bạn xài ở Việt Nam .

À, nhiều bạn nói mình chem nhiều từ Tiếng Anh quá bạn không hiểu. Nhiều bạn còn không biết GAP YEAR là gì. Thật sự là lúc trước mình làm việc ở nước ngoài nên những từ ngữ đó rất bình thường với mình nên mình không nhận ra là nhiều bạn không hiểu. Mình sẽ cố gắng viết rõ ràng cho các bạn dễ hình dung. Nhưng cũng có quá nhiều từ không thể dùng Tiếng Việt để thay thế.

Lưu ý một số vấn đề trước khi tham gia

Nguồn: Workaway Thái Lan

1. WWOOF và WORKAWAY là gì?

Đây được xem là 2 trang web lớn nhất thế giới là trung gian kết nối tình nguyện viên (TNV) và chủ nhà (Host), giúp các bạn trẻ được trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài với chi phí khá rẻ. Về WWOOF thì các bạn có thể xem bài viết này của mình tại đây.

Nếu như WWOOF tập trung chủ yếu vào các công việc ở nông trại, thì Workaway tập hợp vô số các công việc tình nguyện như làm lễ tân ở khách sạn, dạy học, chăm sóc động vật, design, thiết kế website, xây dựng nhà cửa hoặc các dự án cộng đồng, marketing, trải nghiệm các hoạt động của host và viết bài PR,… Cho dù bạn có những kỹ năng đặc biệt gì đều có thể tìm thấy trên Workaway.

Hiện nay, Workaway đã có mặt trên hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới. Vì thế có thể nói Workaway là lựa chọn hàng đầu của các bạn trẻ trên thới giới muốn đi trải nghiệm thế giới mà không muốn tốn nhiều tiền. Đây cũng là lý do chính phủ 1 số nước không thích các chương trình này bởi vì các TNV sẽ cướp đi cơ hội việc làm của lực lượng lao động nước đó và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. 

Workaway không phổ biến tại VN vì văn hóa, tư duy ổn định của người Việt; tư tưởng này không tự nhiên mà có mà do đất nước mình là 1 đất nước nghèo, đồng tiền không có giá trị, cơ hội đi ra thế giới không nhiều nên các bạn trẻ không được biết nhiều về các chương trình này.

2. Là một dạng trao đổi

Mình xin đính chính là chương trình này là tình nguyện nhưng thật chất là dạng trao đổi, bạn làm việc cho host, host cho bạn ăn ở miễn phí, không trả lương, có 1 vài host còn yêu cầu bạn thêm tiền để trang trải chi phí ăn uống nhưng không nhiều. 

Bạn nên hỏi rõ host là mình có đóng thêm tiền gì thêm không trước khi tham gia nhé. Và chương trình này không cung cấp chứng chỉ cho mấy bạn nộp hồ sơ du học đâu nha.

3. Tự thân vận động

Các bạn phải tự làm hết tất cả mọi thứ từ nhập cảnh, mua vé máy bay/xe bus, đăng kí thành viên, liên hệ với host, tự di chuyển đến nhà host. Vì thế cho nên chống chỉ định bạn nào ỷ lại và không có tinh thần tự giác, kỷ luật. 

Và chương trình này cũng chống chỉ định với những bạn nào lười biếng, thích đi để sống ảo, hưởng thụ, chụp ảnh check in. Vì công việc nhiều lúc không phải nhẹ nhàng, nếu làm việc ở các nông trại bạn phải làm nhiều công việc cực nhọc, dưới trời nắng nóng oi bức. Hãy suy nghĩ trước khi tham gia.  

4. Rủi ro

Đi tình nguyện kiểu này nếu bạn gặp bất kỳ rủi ro hay nguy hiểm gì thì ko ai đứng ra bảo vệ bạn cả. Trang web chỉ đứng ra làm trung gian, về phần kiểm tra tính chân thật và minh bạch của host thì chủ yếu vẫn là các TNV review. 

Cho nên lúc chọn host phải chọn lựa kỹ càng. Nhiều host còn có fanpage trên FB, các bạn nên theo dõi họ. Nhưng mình nghĩ các bạn xem review của các TNV thì cũng được rồi.

5. Không nên đi quá đông người

Nên đi tối đa khoảng 2 người thôi, nếu đi lần đầu tiên không nên đi 1 mình, mà cũng ko đc đi quá đông vì mỗi host thường chỉ tuyển ít TNV thôi. Với lại đi để trải nghiệm cuộc sống người bản xứ, được giao lưu với bạn bè quốc tế chớ không phải là kiếm chỗ để vui chơi bù khú với bạn bè. 

Bạn đi 1 đám vậy host đâu cần tuyển thêm TNV khác nữa nên bạn không có cơ hội giao lưu với bạn bè quốc tế. Với lại các bạn xác định có thể 2 bạn sẽ không làm chung 1 ca, cho nên sẽ bất tiện nếu 2 bạn ra ngoài chơi nhé. Nhưng 1 tuần các bạn được off 1-2 ngày. Thời gian làm việc thì có thể 4-7h/ngày tùy host. Những thông tin này bạn có thể tham khảo trên web trước khi chọn host.

6. Visa

Cũng như WWOOF, Workaway không đảm bảo cho việc xin visa của bạn. Miễn là bạn có được visa thì có thể đi tình nguyện ở bất cứ đâu trên thế giới. Khi tham gia chương trình này các bạn nên đi theo diện visa du lịch. Và việc xin visa bạn phải tự túc làm chứ không có host nào giúp đỡ thủ tục hay giấy tờ gì cho bạn cả. 

Khi nhập cảnh vào đất nước bạn muốn tình nguyện tuyệt đối không nhắc đến việc đi tình nguyện vì các bạn đi theo kiểu tự túc, ko ai hay biết về cái này chương trình này cả. Bạn nói bạn đi làm việc ở khách sạn hay nông trại họ tưởng bạn qua đó làm việc bất hợp pháp là không được nhập cảnh đâu nhé.

Nhiều bạn nhắn hỏi mình lo sợ rằng việc đi tình nguyện kiểu này thông qua visa du lịch có thể vi phạm pháp luật. Bạn có thể tham khảo lời khuyên của một blogger https://www.misagjone.com/ như sau:

Việc làm tình nguyện ở các tổ chức này thường được coi là “vùng xám”, nghĩa là nó không hoàn toàn minh bạch, nhưng cũng không hẳn là vi phạm pháp luật của nước sở tại. Thực sự nếu bạn làm việc không công a.k.a. không nhận lương cứng hằng tháng, mà làm việc để đổi lấy chỗ ăn và ở miễn phí thì thường sẽ không gặp rắc rối về vấn đề pháp lý – Vì vậy, ĐỪNG BAO GIỜ nhận lương nếu visa của bạn không cho phép (work permit visa). Có thể bạn sẽ thấy lời khuyên này là ngớ ngẩn hoặc dư thừa, hoặc một số host có thể gợi ý trả thêm (lén / under the table) cho bạn nếu làm thêm giờ v.v… Thực sự thì đồng tiền có thể đến rồi… xài hết, nhưng phốt thì sẽ còn mãi với cái tên của bạn chình ình trong blacklist của các cơ quan cấp visa sau này!

7. Tại sao mình giới thiệu Thái Lan?

Tại sao mình lại giới thiệu Thái Lan mà ko phải nước khác? Bởi vì Thái Lan tương đối gần VN nên chi phí đi qua đó rẻ, và có thể nói Thái Lan là nước có lượng khách Tây ba lô tương đối lớn, là cơ hội tuyệt vời để các bạn giao lưu và thực hành Tiếng Anh. 

Vì khách du lịch khá nhiều nên TL khá chuyên nghiệp về lĩnh vực du lịch, các trang trại hay guesthouse ở bên đó khá bài bản. Và đồ ăn cũng hợp với khẩu vị của người Việt hơn 1 số nước Đông Nam Á khác. Và Thái Lan có thể nói là trung tâm khu vực ĐNA, dễ dàng di chuyển đến các nước lân cận bằng đường bộ. Đối với những bạn không thích đi Thái, bạn cũng có thể chọn nước khác theo hướng dẫn của mình.

Hồi trước mình đã lên kế hoạch đi Thái Lan và làm việc ở 1 khách sạn trên sông Khao san, Bangkok cùng với đứa bạn người Hàn của mình, mình cũng đã liên hệ host hết rồi nhưng cuối cùng mình lại bận không đi được. Con bạn mình thì cũng chuẩn bị đi Working Holiday ở Canada. Thế là thôi luôn.

8. Nên chọn WORKAWAY

Mình recommend các bạn lựa chọn Workaway hơn là WWOOF. Lý do tại sao? Đó là vì khi tham gia Workaway, bạn chỉ cần trả phí thường niên 1 lần là sau này các bạn có thể đi được các nước khác nữa, ko như WWOOF thì chia theo từng nước, đi nước nào đóng tiền nước đó (chỉ có các nước trong WWOOF phụ thuộc không có đội ngũ quản lý riêng là đóng tiền chung thôi nhưng tương đối ít). 

Với lại Workaway rất chuyên nghiệp, bạn được phép xem tất cả thông tin về host đó như mô tả, những loại công việc mà họ cần TNV, bạn làm ở đó thì sẽ nhận được những lợi ích gì, chỗ ở ra sao, công việc như thế nào, hình ảnh chỗ bạn TNV cũng như nhận xét của TNV đã từng ở đó. Còn với WWOOF Thái Lan, mình phải trả phí thường niên mới được xem. Thật quá vô lý phải không? Hồi mình trả phí mà ko đi được cũng tiếc lắm.

Cách thức đăng ký

Nguồn: Workaway Thái Lan

Đầu tiên, các bạn truy cập website của Workaway, chọn mục View Full Host List, rồi chọn Asia, Thailand. Hiện tại nó sẽ hiện ra 365 host đang cần TNV, 1 con số khổng lồ cho các bạn lựa chọn. Bạn có thể nhập vào ô tìm kiếm theo nhu cầu của bạn như đia điểm ở đâu (Bangkok, Chaing Mai,..) hoặc loại công việc (farm, family, guesthouse, children,..) để ra host phù hợp với nhu cầu của bạn. 

Nhưng nếu bạn có thời gian thì nên xem 1 lượt tất cả các host vì có rất nhiều công việc thú vị mà bạn không biết đâu. Khi chọn host bạn nên đọc phần nhận xét của các TNV trước, rất hữu ích. Nếu bạn ở TL 1 tháng bạn có thể làm ở 2-3 host, nhưng sẽ tốn tiền di chuyển. Nếu bạn muốn tiết kiệm thì có thể làm 1 host thôi. Nếu bạn nào chưa quen xa gia đình thì nên đi ngắn thôi 1-2 tuần cũng được nhé.

Cách chọn host như thế nào?

Nếu các bạn thích gặp nhiều người nước để giao tiếp Tiếng Anh thì nên làm việc tại các hostel, guesthouse ở Bangkok nhưng TA của bạn phải tương đối khá vì bạn sẽ có nhiệm vụ tiếp khách, trực lễ tân, trả lời thắc mắc của khách, dọn dẹp phòng.Bạn nào không giỏi TA lắm mà vẫn muốn thực hành TA thì có thể làm ở farm có chủ là người nước ngoài. Ở Thái Lan tương đối nhiều.Còn bạn nào muốn ở nhà người bản xứ, muốn học hỏi văn hóa của họ thì cứ chọn host người bản xứ nhưng các bạn sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp. Nên thủ sẵn Google TranslateMình cũng khuyên các bạn nên chọn những host nào có tuyển nhiều TNV đến tham gia thì sẽ vui hơn nhiều và có cơ hội thực hành TA nhiều hơn

Sau khi đã chọn host mà bạn thích và xác định sẽ đi, bạn sẽ cần đăng ký thành viên, điền các thông tin cá nhân, tải hình ảnh và viết vài nhận xét về bản thân, sau đó trả phí thường niên là 42$ (khoảng 1 triệu đồng) trong thời hạn 1 năm nhé. 

Có 2 phương thức để trả là bằng Paypal và thẻ tín dụng. Thẻ tín dụng thì chỉ cần thẻ ghi nợ quốc tế là được, bạn ra ngân hàng làm có khi được miễn phí luôn đấy rồi nộp tiền vô xài thôi. Còn không thì mượn bạn bè người thân cũng được. 

Sau khi trở thành thành viên bạn sẽ có thể liên hệ với host để đăng ký TNV. Bạn có thể trao đổi về thời gian và cách để bạn đến được nhà host cũng như hỏi họ có thể đón bạn ở đâu. Vì mình chưa trả phí cho Workaway bao giờ nên mình ko biết quy trình thế nào nhưng các bạn cứ mò là ra hết nhé.

Sau khi chốt được ngày thì mua vé máy bay thôi. Nhưng các bạn nên check vé ngày nào rẻ rồi liên hệ với host muốn làm ngày đó được ko vì như thế có thể tiết kiệm được tiền hơn. Nếu xác định đi được ngày nào thì mua vé máy bay sớm cho rẻ. Giá mình nghĩ chắc tầm 1,2-1,5 triệu / chiều. Còn nếu bạn đi bằng đường bộ mà tự mua vé nối chuyến thì rẻ hơn, giá khoảng tầm 700k/chiều.

Hướng dẫn đi xe bus từ VN qua Thái Lan bạn tham khảo tại đây

Thủ tục nhập cảnh Thái Lan

Khi bạn nhập cảnh Thái Lan bạn cần xuất trình cho nhân viên hải
quan những giấy tờ sau:

Vé máy bay hoặc vé xe khách rời khỏi Thái Lan trên đó có ghi ngày cụ thểGiấy tờ xác nhận đặt phòng: Bạn có thể lên Agoda hoặc Booking để đặt phòng ảo rồi sau đó hủy ko cần trả tiềnLịch trình du lịch: Bạn cần lập bảng lịch trình ngày nào bạn đi đâu, tham quan chỗ nào, lưu ý lịch trình cần khớp với xác nhận đặt phòng. Tuyệt đối không nhắc đến việc đi tình nguyện trong lịch trình du lịch.Tờ khai nhập cảnh (bạn lên mạng tìm hiểu cách khai)Tiền mặt: Mình nghe nói là bạn cần chuẩn bị tối thiểu 10.000 THB. Nếu bạn ở Thái Lan cả tháng thì có thể người ta yêu cầu nhiều tiền hơn nhưng nếu bạn không có nhiều tiền, bạn cứ đưa thẻ quốc tế ra, và nói là phòng đã trả tiền hết rồi, vé mb cũng book rồi, nên ko cần nhiều tiền mặt, với lại bạn có thẻ rồi.

Tất cả những thông tin này mình chỉ tìm hiểu trên mạng chứ chưa bao giờ đi bao giờ. Nên nếu bạn đi thì tìm hiểu kỹ nhé.

Chuẩn bị gì trước khi đi?

Nguồn: Workaway Thái Lan

Bạn nên chuẩn bị quần áo phù hợp với công việc bạn sẽ làm, không yêu cầu quá khắt khe đâu nhé. Hạn chế đem quá nhiều quần áo, nên nhớ bị đi trải nghiệm làm việc chứ không phải đi chơi chụp ảnh sống ảo nhé. Đem đồ dung đủ xài trong 1 chiếc ba lô là được. Cho dù bạn đi vài ngày hay 1 tháng cũng vậy thôi nhé. Mua sim để xài 3G: bạn tự tìm hiểu nhé. Có thể ko cần nếu nhà host đã có wifi. Trước khi qua Thái Lan thì lúc ở sân bay VN nên chuyển sim qua Roaming để người nhà có thể liên lạc được cho mình. Photo giấy tờ tùy thân, vé máy bay để ở nhiều chỗ trong vali, túi áo, túi xách để nếu có mất hành lý hoặc giấy tờ gốc còn có cái để dùng. Nên scan giấy tờ tùy thân và gửi vào email của mình. Gửi lịch trình thực tế chi tiết về việc mình sẽ đi đâu, đi như thế nào, số điện thoại liên lạc chỗ đó,.. cho bạn bè người thân. Lưu lại số điện thoại và địa chỉ ĐSQ Việt Nam tại Thái Lan để khi cần thì liên hệ cho nhanh. Tìm hiểu về quy trình cấp lại passport ntn tại Thái Lan đề phòng trường bạn mất mà quýnh lên ko biết làm gì. Nên mang theo 2 chiếc điện thoại để lỡ mất còn có cái mà dùng. Có thể đem theo 1 số  vật dụng phòng thân như xịt hơi cay (xịt hơi cay nghe nói ko được đem lên máy bay nên bạn cân nhắc), còi báo động,…Nên tìm hiểu trước các cách xử lý khi gặp cướp giật hoặc bắt cóc. Nói chung phải lên kế hoạch cho mọi rủi ro mà bạn có thể gặp. Mình nói là chuẩn bị chứ không phải là sợ mà không làm nhé, nói chứ đi 1 vài lần rồi bạn quen thôi.Những vật bất ly thân không bao giờ được rời mắt: hộ chiếu, thẻ ngân hàng, tiền mặt và điện thoại. Chỉ cần có những thứ đó thì đi đâu sống cũng được. Nên đem theo 1 cục sạc dự phòng nữa nhé. Vậy tổng chi phí:

Phí thường niên 1tr + vé xe bus 2 chiều 1,5tr + chi phí di chuyển đến nhà host tùy địa điểm, mình cho tầm 500k  

3 triệu

Lần sau bạn có đi nữa thì không cần tốn chi phí thường niên 1 triệu nữa. Còn tiền tiêu vặt ăn chơi riêng gì đó thì tùy vào các bạn.

Lịch trình mở rộng

Về cơ bản là vậy nhưng làm có 1 chỗ và 1 đất nước cũng chán mà phải không. Mình khuyến khích các bạn có thể đi được nhiều hơn. Đây là lịch trình mở rộng cho các bạn nhé

1. Lịch trình thứ nhất

Nếu chỉ đi Thái Lan, bạn nên làm 1 host về guesthouse, homestay hoặc hostel ở Bangkok trong 2 tuần, sau đó di chuyển về các tỉnh phía Bắc như Chiang Mai, Pai để khám phá cuộc sống ở đây. Các host ở đây rất đa dạng và nhiều công việc thú vị. Từ Bangkok bạn có thể đi tàu lửa đến Chiang Mai với giá tầm 400-500k/chiều trong vòng 12 giờ. Thật sự đi xe lửa từ Bangkok đến Chiang Mai là trải nghiệm đáng để thử. Nhưng nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian có thể đi xe bus với giá bằng hoặc rẻ hơn 1 chút với tổng thời gian di chuyển là 7h. Sau đó, bạn cần hỏi cách di chuyển từ trạm xe lửa hoặc xe bus tới nhà host. Host sẽ chỉ cho bạn cụ thể rõ ràng cách đi như thế nào nên bạn yên tâm. Với lại có điện thoại trên tay, bạn có thể đi được bất cứ đâu nhé.

2. Lịch trình thứ hai

Từ Chiang Mai hoặc Bangkok, bạn có thể đi qua Myanmar. Nhưng đây là cách rất khó khăn. Vì sao? Hiện nay VN được miễn thị thực 14 ngày khi qua Myanmar nhưng đó là chỉ áp dụng bằng đường hàng không, còn nếu bạn nhập cảnh bằng đường bộ thì phải xin visa trước ở VN hoặc có thể xin visa online nhưng tốn phí 50$. 

Nhiều bạn cứ đinh ninh được miễn visa 14 ngày mà tơn tơn đi nhập cảnh vô đó rồi bị từ chối. Nếu bạn nhập cảnh bằng đường hàng không rồi mà lúc xuất cảnh bằng đường bộ cũng không được nếu không có visa dán trên hộ chiếu. Nếu bạn vẫn muốn đi Myanmar thì có 2 cách là mua vé máy bay từ Bangkok đến Myanmar, hai là làm visa trước ở VN. Đến Myanmar bạn có thể đăng ký tình nguyện tại đây.

Bạn tham khảo bài viết của bạn letrang về WWOOF tại Myanmar tại đây

Hoặc bạn có thể liên hệ 1 chị travel blogger khá nổi tiếng để xin lời khuyên về WWOOF ở Myanmar đó là chị Mai Hương vì chị ấy đã từng đi WWOOF nước này rồi. Lúc trước mình đi WWOOF cũng hỏi chị ấy nhưng vì đi không cùng quốc gia nên chị ấy không rành lắm.

3. Lịch trình thứ ba

Các bạn có thể đi xe lửa hoặc xe bus từ Hat Yai (Thái Lan) để đến Kuala Lumpur. Hoặc bạn cũng có thể đi xe lửa từ thủ đô Bangkok Thái Lan để đến Butterworth gần Penang với chi phí tầm 500k. Tìm chỗ để tình nguyện thì cứ lên Workaway thôi. Bạn đã là thành viên rồi thì đi bao nhiêu host cũng được nhé. Từ Malaysia mà dư tiền thì đi xe bus qua Singapore chơi xong mua vé máy bay về Việt Nam.

Đó là lịch trình tham khảo cho những bạn nào có dư dả tiền bạc và muốn khám phá nhiều hơn. Đây chỉ là lịch trình mình lên cho bản thân, chưa đi bao giờ nên các bạn nếu muốn đi thì hãy tìm hiểu kỹ hơn nhé!!!