Thiền cho người mới bắt đầu

THIỀN LÀ CHI?

Có hàng nghìn pháp môn khác nhau với những cách thực hành Thiền định khác nhau. Những người bắt đầu thường bối rối không biết nên theo phương pháp nào, vị thầy nào, tôn giáo nào cho “đúng”, an toàn và phù hợp với mình. Bạn lao vào đọc và tìm hiểu từ nhiều nguồn khác nhau sau đó hoảng loạn vì những nguồn tin tiêu cực. (Não người có xu hướng để ý đến những điều tiêu cực hơn là tích cực để bảo vệ bản thân).
Thiền không phải là môn lý thuyết, trái lại bạn chỉ có thể thực sự hiểu được những gì người ta viết về thiền, về tâm linh khi bạn cho phép mình ngồi xuống thực hành. Đối với những bạn bảo mình không có thời gian để thiền, thiền định sẽ cho bạn nhiều thời gian. Từ thiền, bạn hoàn thành công việc nhanh chóng, hiệu quả hơn, sắp xếp công việc tốt hơn. Mình đã viết về tác dụng của Thiền tại Thiền và hành trình đi tìm bản thân và Thiền và hành trình sáng tạo bản thân. Ở bài viết này, mình sẽ tập trung vào câu hỏi: Làm thế nào để bắt đầu thiền?
Đầu tiên, bạn phải xác định là thiền không phải là một việc làm. Thiền là không làm gì cả và không cố để làm gì cả. Thiền không phải là một hành động. Thiền là một trạng thái. Thiền vừa đơn giản vừa khó cực kỳ. Đơn giản là vì trong trạng thái thiền định, bạn không phải làm gì cũng không phải cố gắng gì cả. Khó là vì con người chúng ta đã có thói quen luôn làm gì đó. Lúc đợi tàu xe, ta phải lôi điện thoại ra bấm chẳng với mục đích gì cả. Khi nghỉ ngơi, đầu óc ta vẫn luôn suy nghĩ về quá khứ, hiện tại, tương lai. Ta không biết cách nào để không suy nghĩ, càng không thể ngồi yên.
Phương pháp thiền cơ bản nhất, mang lại hiệu quả, an toàn và dễ dàng thực hiện nhất là Thiền quán hơi thở (Anapanasati). Trong tiếng Phạn, “ana” nghĩa là hít vào, “pana” nghĩa là thở ra, còn “sati” là chánh niệm, nhận biết (mindfulness). Hít vào, bạn biết bạn đang hít vào. Thở ra, bạn biết bạn đang thở ra. Bạn hoàn toàn tỉnh thức trong quá trình hít và thở. Điều mình thích ở phương pháp này là bạn hoàn toàn tự do. Bạn không cần có bất kỳ dụng cụ hỗ trợ nào, người thầy nào để bắt đầu thực hành.
Hơi thở là thứ theo bạn từ lúc sinh ra đến lúc mất đi. Ngày nào bạn còn sống, ngày đó bạn còn có thể thiền quán hơi thở. Hít thở là chuyện chúng ta vẫn làm mỗi phút giây, nhưng vì nó quá hiển nhiên, ta không chú tâm vào nó. Ta luôn đang làm một việc gì, nghĩ về điều gì đó. Cách duy nhất để ngưng suy nghĩ, hoặc đơn giản hơn là giảm tần suất suy nghĩ (bao gồm những suy nghĩ tiêu cực, hoặc suy nghĩ vô ích) là giao cho tâm trí một việc đơn giản để làm. Trong trường hợp này là quan sát hơi thở. Khi bạn chú tâm đến hơi thở của mình, bạn sẽ không suy nghĩ và ngược lại. Bạn không thể làm hai việc này cũng lúc.

Hít vào, tôi thấy sự bình an trong cơ thể và tâm trí. Thở ra, tôi mỉm cười. Tôi an trú lại khoảnh khắc duy nhất của hiện tại.– Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Bạn có thể thiền ở bất kỳ đâu vào bất kỳ thời gian nào trong ngày. Điều kiện lý tưởng là thiền buổi sáng, sau khi thức dậy, khi tâm trí bạn không bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề. Cá nhân mình thì hay thiền buổi tối trước khi đi ngủ. Địa điểm thiền có thể là bất kỳ nơi nào bạn cảm thấy thoải mái, không bị tác động nhiều bởi ngoại cảnh: góc phòng ngủ, ban công, ngoài vườn,… Khi bạn đã thiền một thời gian, bạn đem thiền vào đời sống: thiền trong giờ giải lao trên trường, thiền lúc ngồi trên xe buýt… Đối với những bạn bắt đầu thiền, bạn có thể ngồi 5 phút, 10 phút mỗi ngày rồi tăng dần thời gian. Bản chất của thiền là thuận theo tự nhiên. Cơ thể bạn là chiếc đồng hồ sinh học tốt nhất. Bạn có thể ngồi đến lúc bạn không muốn ngồi nữa. Tuy nhiên, thời gian đầu cần kỷ luật với bản thân để tạo thói quen.

SAU ĐÂY LÀ CÁC BƯỚC ĐỂ BẮT ĐẦU THIỀN:

Bước 1: Trước khi thiền, uống vài ngụm nước lấy tinh thần. ) Giữ cho lưng thẳng thoải mái, không quá gồng cứng vì ngồi lâu sẽ bị mỏi, đầu thẳng. Khoanh tay, khoanh chân (hoặc bạn có thể ngồi kiết già, bán kiết già) để tạo một vòng tròn năng lượng khép kín. Tư thế kiết già là một tư thế vững chãi, giúp bạn ngồi lâu mà không bị đổ người qua lại. Tuy nhiên, nếu bạn là người mới bắt đầu hoặc bạn không thể ngồi kiết già cũng không sao cả. Đặt lưỡi chạm vòm họng, miệng mỉm cười nhẹ nhàng tạo cảm giác thư giãn, dễ nhập thiền. Mắt nhắm lại.
Bước 2: Tưởng tượng dưới chỗ bạn ngồi là một rễ cây cắm sâu vào đất, tạo tư thế vững chãi. Việc hình dung này có tác dụng vô cùng to lớn khi bạn đi sâu vào con đường thiền định, giúp bạn luôn thực tế, đứng vững trên mặt đất.
Bước 3: Hình dung bạn đang ngồi trong một cột ánh sáng trắng hoặc trong kim tự tháp, được bảo vệ khỏi những năng lượng khác. Có ý nguyện đón nhận những năng lượng phù hợp với sự phát triển và tiến hóa của mình.
Bước 4: Hít một hơi thật sâu và thở ra nhẹ nhàng. Lặp đi lặp lại quá trình này 3 lần để cơ thể bạn thư giãn và thả lỏng. Sau đó, trở về với nhịp thở tự nhiên của mình và quan sát hơi thở. Hít vào, bạn biết bạn đang hít vào. Thở ra, bạn biết bạn đang thở ra. Bạn không can thiệp vào việc hít thở, không điều chỉnh hơi thở, càng không đánh giá mình thở nông hay sâu. Một mẹo để quan sát hơi thở là bạn có thể quan sát độ phồng xẹp của bụng (nếu hơi thở của bạn sâu), hoặc bạn quan sát hơi lạnh đi vào, hơi nóng đi ra cánh mũi.
Bước 5: Xả thiền. Nhẹ nhàng cử động tay chân. Từ từ rời hai lòng bàn tay, đặt tay lên hốc mắt, cảm nhận hơi ấm, cảm nhận tình yêu. Hít một hơi thật sâu gửi ý nguyện sẽ giữ lại những năng lượng tích cực từ buổi thiền. Sau đó, nhẹ nhàng mở mắt nhìn vào lòng bàn tay và hạ bàn tay xuống.

SỐNG TỈNH THỨC

Đối với mình, mình cảm thấy bình yên nhất là khi tay mình chắp trước ngực trong một động tác yoga hoặc khi mình nhìn vào hai lòng bàn tay khi kết thúc một buổi thiền. Mình cảm thấy cơ thể mình, bàn tay mình kỳ diệu lắm. Sự sống này là một phép màu. Cơ thể bạn hoạt động khỏe mạnh đôi khi đối với bạn là chuyện hiển nhiên. Nhưng bạn thử nghĩ để bạn làm những việc bạn đang làm mỗi ngày, trái tim phải luôn đập, các cơ quan trong cơ thể phải luôn nỗ lực làm việc mỗi phút giây. Một bộ phận trong mắt xích đó bị hỏng, bạn sẽ gặp rắc rối ngay. Vì vậy, khi mọi thứ đang vận hành trơn tru, hãy biết ơn và trân trọng cuộc sống.
Thiền không phải là vô nghĩ hoàn toàn. Ta không thể cố gắng dừng suy nghĩ. Trong trạng thái thiền, khi có suy nghĩ đến, ta nhận biết có suy nghĩ đến, rồi quay về với hơi thở. Theo thời gian, tần suất suy nghĩ của bạn giảm dần. Ta không cố gắng tập trung. Trong thiền, ta nhẹ nhàng thả lỏng và quan sát. Mọi chuyện xung quanh ta vẫn biết nhưng chỉ là biết rồi quay về với hơi thở, không đi theo tác động bên ngoài.
Thiền bắt đầu từ quan sát hơi thở, chứ không phải thiền chỉ là quan sát hơi thở. Khi bạn học cách quan sát hơi thở tự nhiên của mình, bạn bắt đầu có thói quen quan sát mọi thứ trong cuộc sống mà không phán xét, đánh giá. Bạn quan sát bản thân, quan sát việc mình làm, quan sát nỗi đau bạn đang mang, quan sát mọi người xung quanh. Khi quan sát việc mình làm, bạn từ từ sửa mình để sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Khi đau, tâm trí bạn rối bời bởi cơn đau và bạn bị cơn đau cuốn đi. Nhưng khi chọn bước ra ngoài quan sát, bạn bắt đầu hiểu bản chất nỗi đau, bạn sẽ thấy đau cũng không đáng sợ đến thế. Bạn nhận ra rằng cơn đau nào rồi cũng qua đi, điều tiêu cực nào rồi cũng không ở lại mãi.
Bằng việc quan sát, chú tâm vào việc mình làm, bạn sống chánh niệm Tại đây và bây giờ. Khi ăn, bạn biết bạn đang ăn. Khi đi, bạn biết bạn đang đi. Thiền lúc này không còn phải ngồi xuống thiền. Thiền đi vào cuộc sống đời thường và hiệu quả của thiền mang lại đạt đến mức cao nhất. Thầy Tài hay bảo: “Thiền chỉ là để thiền thôi, không phải để trở thành thiền sư cao siêu gì cả. Thiền để trở thành một người bình thường tốt nhất.” Mình tin là như vậy. Trong buổi phỏng vấn với Oprah Winfrey, khi được hỏi một ngày thầy dành mấy giờ để thiền, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trả lời thầy thiền mỗi phút mỗi giây, không có lúc nào là không thiền cả. Khi thầy trả lời phỏng vấn, tâm trí thầy chỉ tập trung vào buổi phỏng vấn, thầy vẫn đang thiền đó thôi.
Đọc nguyên bài ở đây nè: http://tienalien.com/thien-cho-nguoi-moi-bat-dau-blog/