TẠI SAO MÌNH TỪ BỎ CÔNG VIỆC Ở NGÂN HÀNG?

TẠI SAO MÌNH TỪ BỎ CÔNG VIỆC Ở NGÂN HÀNG?

(Lúc nộp tờ đơn xin nghỉ việc, mình không ngờ rằng hơn 1 năm sau mình đã là chủ của một công ty riêng)
Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân và trải nghiệm thực tế nên vui lòng không tranh luận đúng sai.
Nhân chuyện trong cuốn sách mới ra lò của anh Kiên Trần ” Đừng chạy theo số đông” có nhắc đến một nhân vật làm việc ở ngân hàng để minh chứng cho việc ”tưới nhầm cây”, mình cũng muốn chia sẻ về lý do vì sao mình từ bỏ ngành này sau 4 năm gắn bó.
Mình làm việc ở ngân hàng tổng cộng gần 4 năm, 2 năm làm trong ngân hàng tư nhân và 2 năm làm trong Big4. Cho nên mình có thể cảm nhận sự khác biệt rõ rệt về lương thưởng và phúc lợi ở cả 2 nhóm ngân hàng này. Mặc dù làm trong Big4 thu nhập không phải là cao ngất ngưởng, nhưng nếu so với mặt bằng chung khi làm ở công ty thì làm ngân hàng Big4 có thể nói cực kỳ ‘’ổn định’’, lương thưởng đều đều, phúc lợi khỏi chê.

Vậy tại sao mình chấp nhận từ bỏ?

ÁP LỰC?

Đối với nhiều bạn thì xem áp lực là bất lợi nhưng mình không cho là vậy. Đơn giản là làm ngành nào cũng có áp lực của riêng nó. Các bạn banker đã nhận lương thưởng cao thì phải chấp nhận. Các bạn thử ra công ty làm xem. Áp lực thì lắm mà lương thưởng chẳng có bao nhiêu. Và sau khoảng vài năm làm ngân hàng bạn sẽ quen dần với áp lực thôi. Hãy xem mình liệt kê những rủi ro sau đây, bạn sẽ thấy áp lực chẳng là gì.

RỦI RO ?

Người yêu của bạn thân mình phải ngồi tù 4 năm ở cái tuổi sung sức nhất vì dính liếu vào một vụ bê bối lớn trong ngành ngân hàng. Người này ‘’không làm gì quá to tát’’ ngoài việc ký vào hồ sơ cho vay do sếp chỉ định. Vụ việc đó kéo theo mấy chục người vướng vào vòng lao lý. Và đó chỉ là 1 trong rất nhiều vụ bê bối trong lĩnh vực ngân hàng. Những vụ bê bối như vậy truyền thông không bao giờ đào sâu vì sao bạn biết rồi đấy. Nhưng nếu có nói đến thì cũng bị đè bẹp bởi những thông tin kiểu ngôi sao A phẫu thuật., diễn viên B ngoại tình,…. Dẫn đến nhiều bạn không bao giờ biết được những rủi ro tiềm ẩn trong cái ngành này.
Cách đây vài năm, 1 vài nhân viên của ngân hàng cũ mình từng làm việc, cũng vì tin tưởng sếp mà làm sai quy trình, phải trả giá bằng cả tuổi thanh xuân. Và khi đó mình chợt nhận ra đó là những việc mình vẫn thường làm khi sếp yêu cầu. Vì nếu không làm sẽ làm phật lòng sếp, có khả năng mất khách hàng VIP. Và bạn có khả năng để kiếm 1 khách hàng VIP khác với số dư vài chục tỷ bù cho 1 khách hàng đó hay không? Trong thời đại mà ngân hàng chạy đua với nhau để lôi kéo khách hàng thì dịch vụ khách hàng phải cực kỳ nhanh nhạy và khôn khéo.
Tất nhiên rủi ro cũng có cách giải quyết của nó. Vấn đề là bạn đủ cứng rắn và bản lĩnh để làm nên một cuộc cải cách trong ngân hàng, khiến sếp phải đồng ý với 1 vài quy trình ‘’có thể chấp nhận’’ liên quan đến các giao dịch khống, khiến khách hàng vẫn hài lòng và không rời bỏ ngân hàng?
Nói tóm lại, dù là RỦI RO gì thì bạn vẫn có khả năng kiểm soát được.
NHƯNG CÓ MỘT THỨ BẠN KHÔNG THỂ KIẾM SOÁT ĐƯỢC VÀ ĐÓ CHÍNH LÀ LÝ DO VÌ SAO MÌNH TỪ BỎ: ĐÓ CHÍNH LÀ SỰ TRÌ TRỆ, ỔN ĐỊNH.
Ổn định thì có gì sai? Ổn định không sai. Nếu như bạn tìm được một công việc phù hợp thì ổn định quá tốt đi chứ. Nhưng cái ổn định mà mình nhắc đến ở đây chính là sự ổn định kiến thức, ổn định kỹ năng và ổn định các mối quan hệ.
Lúc làm ở đó, mình nhận ra ngân hàng là một hệ thông được lập trình chuẩn chỉ từ A đến Z. Bạn cứ làm theo những gì đã được hướng dẫn là được. Vì thế sinh ra những con người chỉ biết làm theo quy trình, ù lì, kém năng động, mất hết tất cả sự sáng tạo và tính tự học. Bản chất ngân hàng không sai nhưng nó đã tạo nên một thế hệ bị động.
Xung quang mình (tất nhiên không phải tất cả) là những con người làm cho xong việc rồi về, cả những người đã có gia đình và các bạn trẻ ở cái tuổi sung mãn nhất. Tất cả những gì họ làm là chấp nhận ở mức kiến thức đó, kỹ năng đó và không muốn phát triển thêm mặc dù kiến thức và kỹ năng của họ còn yếu. Một môi trường mà những người xung quanh là những người như thế liệu bạn có thể tiến bộ được không?
Với những kiến thức đặc thù của ngành và kỹ năng không có gì nổi bật, bạn sẽ làm gì trong 30 năm còn lại của cuộc đời? Bạn có chắc là sẽ làm việc ở ngân hàng cho tới khi nghỉ hưu không hay đến một độ tuổi nào đó bạn sẽ bị đào thải bởi lớp trẻ năng động hơn?
Công việc ổn định là đúng nhưng trong thế giới thay đổi từng ngày như hiện nay, nếu để kiến thức và kỹ năng đứng yên tại chỗ thì bạn đã mua được cho mình một tấm vé bị đào thảo trong tương lai.
Vì vậy sau vài năm làm ngân hàng và có được những thứ mình mong muốn, mình quyết định nghỉ việc và tìm môi trường khác để phát triển bản thân, mặc cho danh hiệu ”Nhân viên xuất sắc” trong 2 năm và lời ”dụ dỗ” được quy hoạch lên vị trí cao hơn. Công việc ở ngân hàng không phải là không tốt, chỉ là môi trường ở đó, con người ở đó không còn phù hợp với định hướng phát triển của bản thân.
Gần 1 năm rưỡi sau đó, khi đang ngồi trong văn phòng làm việc riêng, tiếp đối tác nước ngoài, sử dụng Tiếng Anh thành thạo, đi công tác nước ngoài và gặp gỡ nhiều con người tài giỏi, học hỏi được rất nhiều điều thú vị; mình nhận ra rằng QUYẾT ĐỊNH TỪ BỎ CÔNG VIỆC ỔN ĐỊNH VÀ BƯỚC TIẾP CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN BẢN THÂN LÀ MỘT ĐIỀU ĐÚNG ĐẮN.
Tuy rằng trên con đường ấy có quá nhiều chông gai, có những lúc mình phải giải quyết rất nhiều vấn đề rắc rối, tiền bạc thì không ổn định, nhưng mình luôn trân trọng tất cả những điều ấy vì chúng đã giúp mình giỏi giang hơn từng ngày.
Các bạn có muốn biết hành trình của mình từ một cô nhân viên ngân hàng đến chủ một công ty riêng không, hãy theo dõi mình tại Queen’s Diary nhé.