Mình đã ăn thực vật được 1 năm!

Mình đã ăn thực vật được 1 năm!

Mình đã ăn thực vật được 1 năm!

Đây là bài viết tiếp theo của bài Ăn thực vật là một lựa chọn. Đây là một bài viết mang tính chất cá nhân, là lựa chọn của mình, phù hợp với mình của hiện tại. Điều đó cũng đồng nghĩa là có thể nó không phù hợp với bạn. Hãy đơn giản chấp nhận một ý tưởng rằng đây là câu chuyện “insight” từ một người ăn chay, trả lời cho những câu hỏi mọi người hay thắc mắc “Người ăn chay có thèm thịt không?”, “Ăn chay có khó không?”,…

Hành trình ăn chay

Như bài viết trước, mình bắt đầu ăn thực vật từ tháng 3/2019. Lúc đó, mình ăn 90% thực vật, 10% còn lại “để dành” cho trường hợp không có sự lựa chọn, suy cho cùng mình biết chúng ta LUÔN có lựa chọn nhưng hãy tạm chấp nhận đó là những lúc mình không muốn làm phiền đến những người xung quanh vì phải chuẩn bị đồ chay cho mình. Những lúc như vậy, mình ăn thịt, thường là những thịt “nhẹ” như là gà hoặc cá hoặc ăn đồ mặn nhưng không ăn thịt (đây cũng là một kiểu ăn chay không toàn phần, mình sẽ chia sẻ kỹ hơn về các tầng ăn chay ở bên dưới). Là một người mê du lịch, mình muốn trải nghiệm ẩm thực của những nơi mình đi qua. Cách nhanh nhất để hiểu về văn hóa là qua con đường ẩm thực. Mình đã muốn thử bò Kobe ở Nhật, gà rán ở Hàn hoặc xúc xích ở Đức,… Mình phải thử qua mới có thứ để từ bỏ chứ. Nên mình vẫn ăn thịt thỉnh thoảng, dù rất hạn chế.
Hiện tại mình là người ăn thực vật toàn thời gian (mình hay nhận là full-time vegetarian ) ). Nếu như ở bài trước, mình có thể lựa chọn giữa thịt và rau mỗi ngày, nhưng luôn kiên trì chọn rau hết lần này đến lần khác, thì bây giờ giống như thực hiện một lựa chọn lớn: chọn rau suốt quãng đời còn lại. Mình quan niệm mọi thứ đều là tạm, không có trạng thái nào duy trì mãi, nên rất ít khi có những “tuyên bố” mang tính cả đời như thế. Nhưng một khi mình đã chọn, tức là bản thân đã rất xác quyết rằng không thể đi lùi, càng không thể quay đầu, chỉ có thể tiến về phía trước. Vạn vật trong Vũ trụ đều vận động tiến hóa mỗi phút giây. Mình của ngày mai đã không còn như mình hôm qua nữa. Có thể sau này mình sẽ trở thành một vegan (người ăn thuần chay) hoặc một chế độ ăn chay khác. Nhưng như mình đã từng viết, tên gọi cũng không quan trọng lắm đâu. Quan trọng là suy nghĩ và hành động của mình thông qua mỗi lựa chọn sẽ là lời khẳng định rõ ràng nhất về mình là ai và mình đứng lên vì điều gì.
Chuyển thành người ăn chay hoàn toàn cũng không khó lắm. Đủ nắng hoa nở, đủ lượng sinh chất. Chỉ là mình cảm thấy bản thân ăn thịt đủ rồi, đến lúc dừng lại thôi. Mọi người đừng nghĩ mình thật hay ho vì ăn chay trường. Mình thích thì mình ăn thôi. Cơ thể mình không chấp nhận được thịt nữa, giờ mình mà ăn thịt mới là chuyện hay. )

Vì sao Tiên ăn chay toàn phần?

Nếu ở bài trước, mình ăn chay chưa toàn phần vì sức khỏe, vì cơ thể mình “đòi” ăn thực vật, thì mình chuyển sang ăn chay hoàn toàn vì động vật và vì môi trường. Đương nhiên hành trình chuyển hóa bên trong là một quá trình dài, nhưng có vài “chất xúc tác”, tạo nên “phản ứng hóa học” đưa đẩy mình đến quyết định này:
  1. Lúc ở Châu Âu, mình gặp nhiều người ăn chay và thuần chay (hoàn toàn không sử dụng các thực phẩm liên quan đến động vật như trứng, sữa bò, mật ong, hoặc mĩ phẩm thử nghiệm trên động vật,…). Trong số đó, có những người ăn chay từ lúc mới sinh ra, nghĩa là cả đời họ chẳng thử thịt nữa. Mình đã thử 20 năm rồi. Mình cảm thấy mình thử đủ rồi. Họ chẳng thuyết phục hay yêu cầu mình ăn chay, nhưng chỉ cần đi bên cạnh họ thôi, mình được truyền cảm hứng và động lực để thay đổi.
  2. Cũng trong chuyến đi đó, mình có thử xúc xích Đức. Mình nhận ra bản thân không thích, cũng không cần phải ăn thịt nữa. Tại sao phải ăn thịt trong khi mình không thích cũng không cần?
  3. Trải nghiệm cuối cùng và cũng là ngày mình bỏ thịt hoàn toàn. Đó là vào một buổi thiền. Hôm đó, mình ngồi thiền cầu nguyện và chữa lành cho vụ cháy rừng khủng khiếp ở Úc. Trải nghiệm đó khá là “nhớ đời”. Mình thấy cảnh các con vật bi thương nhìn mình. Nhìn vào mắt chúng cảm giác như nhìn vào chính mình vậy. Lần đó, mình vừa thiền vừa khóc rất nhiều và liên tục nói xin lỗi. Mình xin lỗi vì mình đã không biết, vì mình đã “phân biệt” giữa vật nuôi và động vật hoang dã. Suy cho cùng, tất cả đều là sinh mạng phải không? Tất cả đều có trái tim, đều biết đau, đều có máu chảy trong huyết quản. Hôm đó, kết thúc buổi thiền, một cái gì đó đã mãi mãi thay đổi bên trong, mình không bao giờ còn có thể là mình của lúc trước.
  4. Ngoài ra, mình còn cảm thấy bản thân đã quá may mắn khi nhận được nhiều điều tốt lành, nhiều sự giúp đỡ và yêu thương. Mình đã nhận từ cuộc đời quá nhiều. Điều duy nhất mình có thể làm để trả lại là tu tập cho tốt, ăn chay và sống tử tế. Nghe có vẻ hơi “sáo rỗng”, nhưng mình thực sự nỗ lực để sống như lời mình nói.
Thế là, mình thực hiện “bước nhảy” cuối cùng. Cộng đồng ăn chay cần thêm một người là mình hơn. Các con vật cần bớt đi một người ăn thịt hơn. Dù biết một người thay đổi giống như giọt nước giữa biển khơi, nhưng mình biết thế giới đang có rất nhiều “giọt nước” giống mình.

Ăn chay mang lại lợi ích gì?

ĂN THỰC VẬT VÌ SỨC KHỎE CON NGƯỜI

Bổ sung thêm cho lý do liên quan đến sức khỏe con người mình đã đề cập ở bài trước, ăn chay giúp chúng ta tránh các dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ “thói quen ăn thịt bất chấp và phá rừng (để làm trang trại thịt)”. Dịch bệnh kinh hoàng đang đảo lộn cuộc sống của toàn thế giới, Covid 19, cũng không phải là ngoại lệ. Nếu bạn nghĩ đến những ngày cách li bất tiện, nghĩ đến việc làm ăn khó khăn, khủng hoảng kinh tế, khan hiếm lương thực, bao nhiêu người mất mạng, bao nhiêu lực lượng được huy động trong “cuộc chiến” này, hãy để ý mọi thứ bắt đầu từ một cá nhân nào đó có thói quen ăn động vật hoang dã, cụ thể là dơi và rắn.
Loài người đã sống sót qua nhiều đại dịch, với khả năng miễn dịch ngày càng được cải thiện (?) để thích nghi. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có quyền ăn chơi thoải mái, không nghĩ đến hậu quả. Trong đại dịch lần này, chúng ta nhận ra con người nhỏ bé và dễ tổn thương như thế nào; hệ thống mà chúng ta cho là phát triển bậc nhất cũng dễ rơi vào tình trạng quá tải hoặc đầy rẫy những bất cập.

VÌ ĐỘNG VẬT

Đây là lý do mang tính nhân đạo. Trong cách mình nhìn cuộc sống, mình không thấy sự khác biệt giữa các sinh mạng. Đối với mình, một bông hoa, một chiếc lá cũng cần được nâng niu và chăm chút. Mọi sinh vật đều có rung động hình thành nên tâm thức của nó. Mình không thấy có sự khác biệt nào giữa cún con bạn nuôi trong nhà, gấu Koala mà các bạn suýt xoa thương xót trong vụ cháy rừng ở Úc và những chú heo trong nông trại. Những chú bò và heo trong nông trại, thậm chí rất ít khi được đối xử tử tế, bị cho sử dụng các loại thuốc để tăng sản lượng, bị ép lấy sữa để kiệt quệ, bị hành hạ dã man,… (những video này có đầy trên mạng mà bạn chẳng bao giờ dám bấm vào xem, nhưng lại dám ăn thoải mái). Trong khi mèo nhà bạn bị đau chút thôi bạn dắt đi thú y, chăm như con trẻ.
Có người lập luận rằng đó là “tự nhiên”. “Tự nhiên” đối với họ là thú nuôi là để ăn còn thú rừng không phải để ăn. “Tự nhiên” đối với họ là con người ăn thịt một ít thôi, vừa đủ lượng mà người đó cần là được. Mọi bệnh tật đều sinh ra khi con người ăn quá phần cơ thể họ có thể tiếp thu. (Theo sách Nhân tố Enzyme, tỉ lệ thức ăn có nguồn gốc động vật và thực vật trong chế độ ăn uống của con người nên lần lượt là 15% và 85%). Họ cũng có lý của họ. Mình chỉ để đây chứ không phán đối hay ủng hộ. Bạn có thể tự chọn thực tại của mình.
Nghiên cứu năm 2015 của Đại học Emory cho thấy heo thông minh hơn chó (1). Heo có khả năng xử lý vấn đề tốt như tinh tinh. Bài kiểm tra IQ cho thấy, heo thông minh hơn em bé 3 tuổi. Theo The Psychology of Cows, một bài báo được công bố trên tạp chí Animal Behavior and Cognition vào tháng 11 năm 2017, những con bò có thể tích cực hoặc tiêu cực và bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm đau đớn. Chúng có khả năng nhận diện từng người khác nhau bằng cách con người đối xử với chúng. Như Science Daily đã đưa tin, gà có khả năng đồng cảm và gà mẹ cho thấy một loạt các đặc điểm tính cách cá thể của người mẹ, dường như ảnh hưởng đến hành vi của gà con. Gà cũng có 24 cách phát âm riêng biệt và có thể suy luận bằng cách loại suy, một khả năng con người thường không phát triển cho đến khi bảy tuổi.
Vấn đề không phải là chúng có trí thông minh hay không. Vấn đề là chúng có đau đớn, sợ hãi, tức giận và dễ tổn thương hay không. Bạn hẳn đã có câu trả lời.

VÌ MÔI TRƯỜNG

Bạn có thấy mối liên hệ gì giữa việc ăn thịt ở Việt Nam và cháy rừng Amazon không? Nếu chưa hãy xem video này từ Health Coach Nam Phương.
Nếu bạn là một nhà hoạt động vì môi trường năng nổ, cố gắng giảm bớt từng bao nilon, từng hộp nhựa, cách hiệu quả hơn là giảm thịt.
Sau đây là một vài số liệu:
  • Việc ăn chay sẽ giảm lượng khí thải CO2 một nửa: Nông nghiệp chăn nuôi tạo ra nhiều khí thải nhà kính hơn tất cả các loại ô tô, xe lửa, máy bay và các hình thức vận chuyển khác trên toàn thế giới cộng lại (2). Thêm vào đó, nông nghiệp nhà máy chịu trách nhiệm cho 65% lượng khí thải nitơ oxit liên quan đến con người (3), một loại khí nhà kính với khả năng làm nóng toàn cầu hơn carbon dioxide gấp 296 lần, có thể tồn tại trong khí quyển tới 200 năm (4). Các nghiên cứu cho thấy việc ăn chay sẽ giảm một nửa lượng khí thải carbon của bạn (5).
  • Ăn ít thịt thông qua việc áp dụng chế độ ăn “thịt lành mạnh” có thể làm giảm lượng nước tiêu thụ lên tới 35%, các nhà nghiên cứu cho biết. Nếu thịt được thay thế hoàn toàn bằng cá, con số này thậm chí lên đến 55% (6). Chăn nuôi chịu trách nhiệm cho hai phần ba tổng lượng nước tiêu thụ trên thế giới hiện nay (7). Một pound thịt bò cần 1.799 gallon nước để sản xuất, một tá trứng cần 636 gallon và một gallon sữa bò cần 880 gallon nước. Trong một thế giới ngày càng hạn hán, nóng lên, đây là một sự lãng phí khổng lồ.
Ngoài ra còn rất nhiều bài nghiên cứu và số liệu về mối liên hệ giữa ngành chăn nuôi và môi trường bạn có thể tự tìm hiểu.
[…] Bạn có thể dựa vào đó tìm hiểu thêm và lựa chọn cho mình lối ăn uống phù hợp với nhu cầu, sở thích và quan điểm sống. Mình đưa ra thông tin này để bạn nhận thấy rằng chúng ta có nhiều lựa chọn hơn là bạn nghĩ. Chẳng có lí do gì để chúng ta phải tranh cãi nhau về chế độ ăn nào là tốt nhất (như tranh cãi giữa những người ăn chay và các nhà khoa học truyền thống), hoặc từ bi nhất (như trong các xung đột tôn giáo) cả. Không có sự phán xét nào ở đây. Chỉ là bạn lựa chọn thức ăn phù hợp với cơ thể bạn, niềm tin bạn đang mang và giá trị sống bạn thuộc về.

Ăn gì không quan trọng bằng cách ăn

Mình biết có nhiều người cơ địa không thể ăn chay hoàn toàn. Bạn ăn gì không quan trọng bằng cách ăn. Nếu chưa thể ăn thuần chay, bạn có thể bắt đầu “Khởi sự ăn chay” bằng cách giảm thịt, đặc biệt là thịt đỏ như bò và cừu, sau đó là thịt động vật có 4 chân như heo.
Ngoài ra, một số người chỉ ăn thịt khi thịt đó đã được làm sẵn, có sẵn trên bàn, và không muốn làm phiền đến người khác. Trước khi ăn, hãy cảm ơn bữa ăn và có 1 ý niệm giải phóng con vật bạn ăn vào ánh sáng. Đối với những bạn ăn chay lâu ngày, ăn thịt vào dễ đau bụng. Ý thức cảm ơn bữa ăn, không phán xét là chay hay mặn sẽ giúp bạn tránh được cơn đau này. Khi ăn, hãy ăn trong chánh niệm và bình an.
Suy cho cùng, dưới bầu trời của Thượng đế mọi thức ăn đều là một điều tốt lành. Hãy gỡ bỏ mọi phán xét, rào cản đúng-sai, tốt-xấu, phải-trái để nhận trọn vẹn món quà sự sống. Chúng ta ở đây để học bài học chấp nhận, tôn trọng và yêu thương nhau.
Đọc nguyên bài viết tại đây: http://tienalien.com/minh-da-an-thuc-vat-duoc-1-nam/