Lời khuyên về ăn uống không phải ai cũng biết – Quyen Huynh

Từ dạo ở bệnh viên về mình rất thích tìm hiểu về sức khỏe con người, ăn uống sao, sống sao cho khỏe, ít bệnh tật. Vì vậy mình đã đọc khá nhiều sách về dinh dưỡng như Bí mật cho sức khỏe toàn diện, Ăn ít để khỏe, Nhân tố Enzyme,…Nhưng mình ấn tượng nhất là cuốn ”Ăn gì cho không độc hại” của tác giả Pha Lê – là người Việt đã từng du học ngành dinh dưỡng ở Anh nên có cái nhìn rất chuyên sâu về vấn đề sức khỏe của toàn thế giới cũng như ở VN.

Nếu như sách về dinh dưỡng rất khô khan thì cuốn sách này viết rất cuốn hút, ngôn từ sử dụng hài hước, cực kỳ dễ hiểu để những người bình thường nhất cũng có thể lĩnh hội được.

Cuốn sách đề cập đến thói quen ăn uống của loài người từ thời khai thiên lập địa đến bây giờ, giải thích tường tận sự thay đổi ăn uống của con người qua nhiều thời kỳ, tại hầu hết các châu lục trên thế giới. Với mục đích sâu xa là để giải thích cho người đọc hiểu căn nguyên của nhiều vấn đề sức khỏe mà con người mắc phải hiện nay và những định kiến sai lầm về các loại thực phẩm.

Dưới đây mình xin liệt kê ra một vài kết luận mà tác giả đề cập đến. Nếu bạn nào muốn đọc tường tận thì nên mua sách để hiểu rõ hơn nhé.

Con người ăn tạp hay ăn chay?

Tác giả dành phần lớn thời lượng cuốn sách để chứng minh rằng con người từ xa xưa đến giờ vốn dĩ là động vật ăn tạp chứ không phải ăn cỏ như trâu bò. Vậy nên con người muốn sống khỏe thì nên tuân theo tự nhiên. Tác giả còn giải thích tại sao con người ngày nay ăn nhiều thịt lại có nhiều bệnh tật đến vậy? Đó là do quá trình phát triển, con người đã làm biến đổi các cách nuôi trồng theo hướng tự nhiên từ xưa giờ, mà chuyển qua độc canh, nuôi trồng với nhiều loại hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc khánh sinh, thuốc kích thích sinh trưởng nên dẫn đến việc con người ngày càng tích tụ nhiều chất độc trong người.

Ăn tinh bột có mập không?

Nếu ăn tinh bột mập thì ông bà ta ngày xưa ai cũng mập hết hay sao? Vấn đề ăn tinh bột mập là do cách xử lý của con người hiện đại. Qua quá trình phát triển, con người đã sáng tạo ra máy xay xát nên gạo ngày nay là loại gạo trắng đã bị loại bỏ hết khoáng chất và chất xơ từ cám. Vậy nên con người khi ăn sẽ hấp thu đường trong tinh bột cực kỳ nhanh. Mà đường thì tất nhiên ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe rồi.

Để ăn tinh bột cho tốt và không bị mập thì nên ăn ngũ cốc toàn phần, ví dụ gạo lứt, chứa nhiều vitamin B1, B3, B6 và nhiều khoáng chất khác. Khi đó đường từ tinh bột trong gạo sẽ được giải phóng từ từ, không gây mập.

Nhưng ăn ngũ cốc toàn phần như thế nào cho đúng?

Muốn hấp thu được hầu hết dưỡng chất trong gạo lứt thì bắt buộc phải NGÂM gạo ở nơi ấm áp để gạo hơi nảy mầm trước khi nấu. Thời gian ngâm gạo lứt ít nhất là 22 tiếng. Sau đó thì nấu với lửa liu riu. Tương tự như các loại đậu. Như đậu xanh cũng phải ngâm khá lâu nên người xưa thường lấy đậu xanh cho nảy mầm thành giá và ăn giá cho nhanh. Đối với bạn nào muốn tiết kiệm thời gian có thể mua nồi cơm điện của Nhật, Hàn có chức năng ủ gạo nảy mầm trước khi nấu nhưng giá cả khá mắc.

Vì thế bảo gạo lứt tốt hơn gạo trắng tuy cũng đúng nhưng chính xác phải nói là gạo lứt ngâm lâu mới thực sự tốt, và tốt nhất là ngâm lâu trong môi trường ấm cho gạo nảy mầm.

Ăn đậu nành sao cho tốt?

Đậu nành có nhiều chất dinh dưỡng nhưng chất kháng dinh dưỡng (không cho con người hấp thu dưỡng chất) cũng nhiều không kém, hơn hẳn những loại đậu khác, cho nên việc ngâm lâu nấu từ từ không hiệu quả lắm. Vậy nên mới có nhiều tin đồn thất thiệt về đậu nành.

Vậy nên muốn yên tâm ăn đậu nành thì phải ăn các sản phẩm đậu nành lên men như: nước tương truyền thống,miso, tương hột, tương bần, tương đen, chao, tempeh, natto,… Bởi vì các chất kháng dinh dưỡng, chất ức chế,..sẽ bị các vi khuẩn phân hủy dần trong quá trình lên men.

Còn sữa đậu nành là các sản phẩm không lên men, lâu lâu hãy uống chứ không nên uống thường xuyên thì không tốt. Lâu lâu dùng thì tự mua đậu nành về nấu là tốt nhất, còn không tự nấu được thì ít ra hãy chọn sữa nấu từ hạt nguyên chứ không phải sữa công nghiệp pha từ bột đậu.

Nỗi oan của con bò

Thịt bò và sữa bò không phải là xấu do từ ngàn đời nay nhiều người trên thế giới vẫn ăn và uống sữa bò có bị sao đâu. Nguyên nhân nhiều người bảo ăn thịt bò nhiều bị ung thư hay uống sữa bò không tốt là do bò hiện nay được nuôi theo kiểu công nghiệp. Bò vốn dĩ ăn cỏ mà lại cho ăn cám, bắp, tinh bột, ngũ cốc, thịt,..rồi thì chích một đống thuốc kháng sinh, thuốc tăng trường,…thì bảo sao thịt bò hay sữa bò không tốt. Các bạn có thể đọc kỹ sách để hiểu vì sao bò không ăn cỏ lại ảnh hưởng xấu đến thế. Vậy nên ăn thịt bò hay uống sữa bò không phải là xấu mà hãy coi thử bò đó được nuôi ra sao, cho ăn những gì,..

Mỡ động vật hay dầu thực vậy thì tốt?

MỠ ĐỘNG VẬT

Dầu từ mỡ động vật là loại dầu chiên được ở nhiệt độ cao và để được khá lâu. Mỡ động vật chỉ tốt nếu nó lấy từ bò, heo, gà ĂN CỎ vì có nhiều vitamin, khoáng chất và tỷ lệ omega-3 và omega-6 cân đối. Nhưng mà muốn chế biến mỡ thì phải đúng phương pháp đó là đun mỡ trên lửa nhỏ liu riu từ 4-12 tiếng. Nếu mà đun xèo xèo trên lửa lớn thì mỡ tốt cỡ nào cũng thành xấu. Vậy nên các bạn muốn tốt cho sức khỏe có thể bỏ thời gian ra nấu mỡ rồi cấp đông tủ lạnh tích trữ ăn cả năm.

DẦU THỰC VẬT

Dầu thực vật tốt nhưng có nhược điểm là có điểm khói cao (nghĩa là chịu nhiệt thấp, nên chỉ dùng để xào hoặc trộn salat chứ không chiên) và không trữ được lâu. Như dầu phộng, dầu dừa có thể dùng để xào chứ không thể chiên. Dầu mè, dầu oliu chủ yếu là để rưới, trộn rau, bóp gỏi chứ không phải để đun sôi lên chiên.

 Nên muốn khắc phục nhược điểm đó thì người ta đem dầu thực vật thô đi tinh luyện, mà qua quá trình tinh luyện thì mất nhiều chất bổ đặc biệt là vitamin E, nếu đem dầu đi hydrat hóa bán phần thì còn sinh ra chất béo chuyển hóa rất hại tim.

Vậy muốn ăn dầu thực vật tốt thì nên mua dầu thô các cô bác nông dân trồng đậu hoặc các xưởng sản xuất nhỏ lẻ, chưa qua tinh luyện, đem dầu chiết vô bình gốm hay chai thủy tinh tối màu, để chỗ mát tránh ánh sáng là có thể kéo dài tuổi thọ cho dầu. Như nhà mình, má mình hay đi ép dầu phộng thô để ăn rồi bán kiếm thêm thu nhập nên nhà mình chủ yếu ăn dầu phộng thôi.

Còn nếu như mua dầu thực vật tinh luyện thì nên mua của hãng nào ép lạnh, ép bằng máy thủy lực hoặc máy ép cơ học, không hidro hóa bán phần thì vẫn an toàn nhé.

Đối với các món chiên xù nhiệt độ cao thì nên hạn chế ăn, nếu có nấu thì nên dùng dầu tinh luyện chứ nếu dùng mỡ hay dầu thực vật thô đun quá điểm bốc khói có khi hại hơn lợi.

Đường có hại cho sức khỏe không?

Đường có hại khi nó là đường trắng, đường công nghiệp vì khi vào cơ thể nó giải phóng năng lượng cực nhanh như sét đánh vậy. Còn các loại rau, đậu, ngũ cốc toàn phần, trái cây tuy có đường nhưng còn chứa chất xơ và nhiều dưỡng chất khác. Khi nạp vào người đường được giải phóng từ từ vì cơ thể còn bận bịu hấp thu đủ thứ khác. Vậy nên cứ ăn thực phẩm toàn phần, ăn đủ rau trái cây. Dùng thêm mật ong hoặc đường mía thô để nấu ăn, hạn chế tối đa đường trắng và các món ngọt công nghiệp.

Ăn chay có tốt không?

Theo như tác giả thì vì con người là động vật ăn tạp nên khi chuyển qua ăn chay con người sẽ bị thiếu ra nhiều dưỡng chất thiết yếu như vitamin B12. Vì loại vitamin này chỉ có ở động vật. Nếu thiếu B12 thì cơ thể sẽ xanh xao vì thiếu máu, dễ yếu, mệt mỏi, đau khớp, đầu óc hay bị mông lung. Vậy nên người ăn chay nên bổ sung thêm vitamin B12 và các loại vitamin bổ sung khác.

Hướng dẫn ăn uống đúng cách

Cho dù ăn tạp hay ăn chay thì nếu muốn khỏe mạnh nên ăn thực phẩm toàn phần, sạch, nuôi trồng thuận tự nhiên, bớt ăn ngoài, hạn chế thực phẩm chế biến công nghiệp.

Thực phẩm toàn phần nghĩa là nó sao thì ăn vậy, gạo hạn chế chà trắng, gạo lứt còn ‘’nguyên cám’’ sẽ tốt hơn và trước khi ăn nên ngâm. Rau củ ra dáng rau củ, ví dụ khoai tây mua về luộc là toàn phần, khoai tây chiên bỏ bịch, đóng hộp,…là không còn toàn phần nữa. Rong biển khô hoặc tươi về nấu là tốt, rong biển tẩm ướp sẵn 1 đống gia vị thì không.

Tất cả các sản phẩm chế biến công nghiệp như xúc xích công nghiệp, đóng hộp, thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, bột nêm, bột ngọt, bánh kẹo, nước ngọt công nghiệp nên dùng càng ít càng tốt.

Nước tương chỉ nên có đậu nành, muối, và men.

Nước mắm chỉ bao gồm cá và muối.

Nếu không ăn thuần chay nên bổ sung trứng và chế phẩm sữa (nhớ là sữa từ bò ăn cỏ không bơm chích gì mới tốt nha).

Cố gắng bổ sung rau củ lên men, rau củ muối chua ví dụ dưa leo, cà rốt ngâm chua, cải chua, kim chi, tỏi ngâm,…Nên tự làm tại nhà.

Những thực phầm lên men phức tạp như nước tương, chao, tương bần,…nếu mua thì nên chọn loại có thành phần đọc dễ hiểu, hoặc ủ theo phương pháp truyền thống với hạt đậu/gạo/lúa mình nguyên vẹn.

Các chế phẩm đậu nành không lên men nên dùng hạn chế.

Đó là một số kiến thức mình đúc rút được từ cuốn sách ”Ăn gì cho không độc hại”. Hy vọng sẽ hữu ích cho mọi người nhé.