“Hãy yêu thương bản thân” à? Đừng vội nghe.

– Hãy yêu thương bản thân.- Mình không yêu mình trời tru đất diệt.- Hãy tự tin là chính mình.- Hãy làm người phụ nữ mà mình mong muốn.- Blah blah…

Nghe quen nhỉ? Quen nhàu luôn ấy. Thấy nhiều nhất là ở… Facebook. Thường là mấy caption cho mấy hình ảnh mua sắm gì đó, mấy cô gái tự thưởng cho bản thân. Cô hotgirl thì một túi hàng hiệu. Bé sinh viên thì là chiếc váy hoặc một thỏi son, cũng có thể là một vài cuốn sách…
Bây giờ, báo mạng thường tràn lan những bài viết có cấu trúc như thế này:

Phần 1: Người ta nói: ABC
Phần 2: Tại sao mình phải đi theo khuôn mẫu như thế?
Phần 3: ” Đám dòng in nghiêng quoted đầu bài”
Kết: Mình hãy là chính mình: XYZ.

Trong đó:
ABC: Những giá trị truyền thống, khuôn mẫu ngầm được định hình trong đầu, được truyền bá xưa nay: Con gái thì phải nữ tính, nhẹ nhàng, giáo dưỡng, Công- Dung- Ngôn- Hạnh, yêu thương bình đẳng bác ái chan hòa…
XYZ: Những giá trị mới hiện đại, thường là đối ngược với các giá trị ABC.
Tạm gọi sự hiểu biết, giác ngộ của bản thân là n. Ta xét 02 trường hợp:
Trường hợp 1: n bé hơn chỉ số cần thiết.
Bề nổi, những câu in nghiêng đầu bài, những slogan Yêu thương bản thân chỉ là cái cớ, sự ngụy biện cho hành xử của các bạn, là sự cổ vũ nồng nhiệt cho chủ nghĩa tiêu dùng, là insight cho các tay truyền thông quảng cáo. Thực ra là:
Bạn lười nên bảo: Lấy chồng chứ có phải đi làm osin đâu mà phải biết nấu ăn giặt giũ quét dọn?
– Bạn muốn mua thêm đồ nên tự nhủ: Mình phải yêu thương mình chứ có ai/ còn chờ ai thương mình đây?
– Thấy người ta vui thú gì bạn cũng muốn thử và tự nói: Đời người sống được mấy hơi. Cứ thử đi sau đỡ hối tiếc. Rồi cả xã hội bây giờ phát triển rồi, thoáng rồi, đâu có như xưa bla bla…
Trường hợp 2: n lớn hơn hoặc bằng chỉ số cần thiết.
Trường hợp này tớ không (dám) nói nữa. Vì người ta đã biết những giá trị mà mình đang theo đuổi là từ bên trong, không phải từ những bài quảng cáo truyền thông mù mịt kia.
Họ biết rõ tính chất của hai con đường, những mặt trái mặt phải của các hệ giá trị, và quan trọng là họ đủ hiểu bản thân để biết mình phù hợp với con đường nào.
Tớ từng nghe đâu đó, rằng một sự thật là nhiều tầng lớp của sự thật. “The pure and simple truth is rarely pure and simple”. Có liên quan không nhỉ? Tự dưng nhớ rồi đưa vào cho tỏ vẻ nghiêm trọng thôi ) Ý tớ đây là: Bạn đang không theo giá trị ABC. Vì bạn muốn tìm chính mình. Bạn đi chọn XYZ. Nhưng buồn thay XYZ có phải là thật sự chính bạn không? Hay là cũng là một ABC nào đó trá hình. Là “chính mình” của một người khác, một thế lực khác?
Tớ ngu ngốc và tương tự với việc diễn đạt. Tớ nói nhiều lần rồi để vớt vát sự thông cảm. Đọc mấy dòng này thấy đau đầu. Nhưng cuộc sống cũng đâu phải tất thảy dễ chịu? Đừng quá tung hô những sự tốt đẹp xinh tươi. Hãy gắng tìm kiếm thêm sự dễ chịu và tốt đẹp trong những thứ xấu xí khó nghe. Bạn lớn lên qua đó. Chúng ta cùng tập kiên nhẫn.

Vậy như thế nào là chính mình?

Làm cách nào để tìm được chính mình?

Tớ chịu. Không nói cho các bạn được. Vì…tớ cũng đang đi tìm. Mà kể cả tớ tìm thấy rồi, thì đó cũng là chính mình của riêng tớ, của cái con đang type mấy dòng vớ vẩn này. Đâu phải là giá trị hằng số để ghép vào tất cả các bài toán. Nghe vớ vẩn chẳng muốn ghép luôn nhỉ )?
Nhưng cá nhân tớ thì thế này.

1. Tìm hiểu bản chất của các giá trị.

Để thấy rõ các mặt đa chiều, lợi- hại, tốt- xấu của chúng. Bạn không cần tìm sách lịch sử nho giáo Khổng Tử các thứ để mà hiểu nguồn cội hay định nghĩa của các giá trị, tư tưởng Công- Dung- Ngôn- Hạnh các thứ này. À đó là tớ đang ngụy biện cho sự lười biếng và ngu ngốc của tớ. Đọc xong tớ sẽ là một bà thím 40 tuổi mà vẫn chẳng hiểu gì. Các bạn cứ chăm chỉ như thường. Nhưng tớ nghĩ bạn nên tìm hiểu các giá trị theo quan điểm truyền thống là sao? Có ý nghĩa gì? Thì như thế mới biết mình phù hợp không?
Ví dụ đơn giản là: Là con gái phải nữ tính.
Chẳng có cái gì là phải cả. Câu này là câu mở bài chạy quảng cáo của mấy hàng trang sức nội y son phấn váy vóc thôi. Cũng chưa hẳn là đi nhẹ nói khẽ cười duyên đâu nhé. Đó là những biểu hiện, cách thể hiện ra bên ngoài. Đương nhiên thì thói quen, hành xử bên ngoài cũng thể hiện và tác động phần nào tính cách bên trong. Nhưng tính nữ thì tức là là tính, mà tính cách là thứ ở bên trong. Các bạn muốn nữ tính thì tìm hiểu thêm. Tớ vừa kém vừa lười ) Tâm lý học nói là Con gái nữ tính thì thu hút đàn ông nam tính. Càng nữ tính thì càng được chở che. Các em gái còn trẻ mà chẳng hiểu sao cứ thích nhanh, thích thứ gì “bôi lên mà đẹp da nhanh luôn”, nghe vậy ném điện thoại đi mua váy tô son áp dụng luôn. Tớ thì thấy, nhắc lại quan điểm: Không có gì là tuyệt đối cả. Chị tớ nữ tính nhẹ nhàng dịu dàng mà chồng có thương đâu ( chính chị nói thế). Tớ với nhiều chúng bạn, (nhìn) cũng hiền như mèo hen mà đứng canh cổng bao năm chẳng ai lại vuốt đầu.
Ngược lại, tớ có mấy cô em cá tính. Đồ thì toàn rách rưới phá cách, nói chuyện thì thoải mái phớ lớ nhưng nom lại rất cuốn hút. Các em đều rất hài lòng với các mối quan hệ tình cảm của mình. Bạn trai vẫn chở che quan tâm như thường. Hoặc là không thường nhưng do các em thấy ổn và vui. Mà suy cho cùng con gái nữ tính kể trên cũng chỉ cần vui thôi đúng không? Mà nhé, mấy con bé đáng ghét đó, thấy mèo là lại như…thỏ. Lúc đó nhìn lại “nữ tính”.

2. Trải nghiệm- chiêm nghiệm chúng.

Thì tớ nói đấy. Cứ thử trải nghiệm xem rồi chiêm nghiệm những giá trị đó. Cứ thử tìm hiểu và thực hành xem đã rồi hẵng phán xét. Tớ quen nhiều người bảo Cả đời này chắc không quen việc nấu ăn hay chăm con đâu. Rồi đến lúc lấy chồng thì má nào cũng thành chuyên gia hết. Mọi người hay nói đó là bản năng làm mẹ. Và hiện tại họ cũng khá thích nghi. Tớ không dám nói người ta hoàn toàn hài lòng. Nhưng cái câu cửa miệng ngày xưa “cả đời này cũng không quen được…” đã không còn đúng nữa.
Nói chiêm nghiệm là bởi, làm gì cũng nên có sự chừng mực. Vì công bằng mà nói, trải nghiệm ABC thì cũng có trải nghiệm XYZ. Có những thứ trải nghiệm và để lại kết quả không tốt. Nên hãy chừng mực và đừng quên chiêm nghiệm. Nói đúng hơn là Trải nghiệm trong chánh niệm. Hãy xem XYZ có phải là thứ đáng để trải nghiệm hay không. Trải nghiệm như thế nào là đủ? Hay chỉ là những trò dắt mũi của truyền thông? Là những sự cổ vũ trong vô thức của những tư tưởng lệch lạc. Ở đâu là điểm dừng của sự chừng mực- là cái chỉ số cần thiết nêu trên ấy, thì có người giỏi thì tự biết. Bạn chưa giỏi thì chúc mừng, may mắn thay, hãy nhìn những trường hợp đi trước mà rút ra. Bạn đâu cần đưa chân cho rắn cắn thử để rút ra bài học hãy tránh xa rắn, nó có thể cắn và rất đau.

3. Tìm những giá trị tốt phù hợp để theo đuổi.

Bạn cần biết bạn muốn gì, tùy theo thời điểm nào. Con người mà. Ai cũng muốn bản thân mình tốt lên. Nên người ta theo đuổi những giá trị mà họ tin là sẽ giúp họ tốt lên. Tớ đoán thế. Hehe. Chỉ là, Tốt cũng là một giá trị ABC hay XYZ gì đó không định nghĩa được. Hoặc nó không có định nghĩa. Bạn lựa chọn quan điểm như thế nào thì theo như thế thôi. Những người làm việc “xấu”, vì họ tin những việc đó giúp họ “tốt”. Là tốt theo định nghĩa của riêng họ. Tớ không dám phán xét. Đúng hơn là đang tập không phán xét. Tự dưng tớ nhớ lại câu chuyện, Những người khủng bố Hồi giáo ôm bom tự sát ấy, họ tin rằng đó là hành nghiệp trượng nghĩa. Sau khi chết sẽ được lên Thiên đàng, nơi có 9 hay 11 hay số n nào đó người vợ trinh nguyên cung phụng họ. Tớ không nhớ rõ, cũng không biết câu chuyện đúng hay không. Dầu sao cũng là một cách nhìn đa chiều về sự Tốt.

4. Tìm sự cân bằng.

Như đã nói, quan điểm của tớ là không có gì tuyệt đối cả. Nên tớ không ủng hộ lắm những tư tưởng cực đoan. Giảm cân mà cứ cắt thứ gì hẳn là tớ không theo. Mọi thứ luôn tương đối vì mọi sự sinh ra đều có chức năng, giá trị và ý nghĩa của nó. Đến ruột thừa nghe thừa vãi ra mà cũng có chức năng quan trọng của nó. Đến một lúc có vấn đề nó mới…thừa thật. Cuộc sống này cũng thế. Không có gì được cố định mà không thay đổi. Thế mới sinh ra chuyện khả năng thích nghi và sự linh hoạt là sự bắt buộc và cũng là điểm mạnh ghi trong CV, ở thời đại bây giờ.
Cho nên, bạn đừng nghĩ người ABC sẽ không bao giờ có XYZ và ngược lại. Đừng nghĩ gái truyền thống là chỉ cắm đầu vô bếp núc giặt giũ. Đừng nghĩ mấy chị mặc hở ngực là không biết chăm chút gia đình. Cũng đừng nghĩ luôn hướng nội là chỉ nghe dương cầm chơi piano. Còn hướng ngoại là suốt ngày đi hoạt động xã hội hoặc nhảy đầm uống rượu… No no cuộc đời không dễ đoán như thế.
Thêm nữa, người theo giá trị ABC cũng không hiểu được niềm vui của người theo giá trị XYZ. Đơn giản là vì thế giới quan khác nhau. Tớ (từng) thấy mấy bạn dành cả buổi chiều cà bột làm bánh trét kem xức bột vani là đã thấy ngán. Bây giờ chỉ thấy cảm giác như béo lên mấy cân thôi, chứ thích gần chết. Xưa bạn tớ thấy tớ skincare theo style super slow motion: ngồi chờ AHA/ BHA ngấm rồi lotion mask, rồi chờ Tretinoin ngấm, rồi dưỡng, rồi matxa các kiểu…cả tiếng đồng hồ. Bạn ngán. Bạn kêu tớ rảnh. Bây giờ tớ chỉ rửa mặt rồi đi ngủ thì routine của bạn dăm bảy chục bước. Chẳng ai hiểu được nhau đâu. Hiểu chính mình đã đủ khó rồi.
Haizaaa…
Ngày xưa đọc sách cho giỏi. Bây giờ có giỏi rồi mới đọc sách được. Ai đó nói nhỉ, thời đại này tràn ngập thông tin nhưng đói mù kiến thức. Tớ thẳng thắn tự nhận luôn tớ là một đứa mù kiến thức. Tớ ngu ngốc nữa. Đó là beautiful truth, với riêng tớ. Hehe.
Tớ cũng chẳng phải là chuyên gia tình cảm tâm lý, nhà xã hội học hay đạo đức học gì. Cũng chẳng phải là một cá nhân nào thành công vĩ đại có sức ảnh hưởng to lớn. Tớ chỉ chia sẻ suy nghĩ, thế giới quan của riêng cá nhân tớ thôi. Nên sẽ có đúng -sai, phù hợp hay không phù hợp. Các bạn đã lỡ đọc thì hãy Hãy tỉnh táo, tìm hiểu và tìm ra sự phù hợp cho chính mình. Đừng nghe ai cả, đương nhiên kể cả tớ. Hãy lắng nghe. Nghe một cách lắng. Rồi sẽ lắng đọng. Chẳng biết từ điển định nghĩa “lắng nghe” là gì. Tớ thích tự định nghĩa thế. Lắng đọng được gì thì chưa chắc. Cũng có thể là cặn, cũng có thể là phù sa. Mà thực ra, cặn của người lại là phù sa của cây. Ai biết được. Các bạn cứ chia sẻ thế giới quan của các bạn. Tớ luôn sẵn sàng lắng nghe. Tốt cho tớ mà.
Tiện thể, tớ muốn nói là, diễn đạt kiểu toán học cho… văn vở thế thôi. Trước trật đại học vì môn toán. Ngu toán kinh khủng khiếp. Chẳng hiểu sao khi viết ra những dòng này có đoạn lại nhiễm màu toán học thế. Mấy thứ người văn vở hay vẽ chuyện thường thế đấy. Đừng tin họ. Họ cũng đang bị dắt mũi không chừng.
Có một sự thật trần trụi nữa. Nó có thể gây đau đầu hơn và khiến bạn chửi thề: Thế nãy giờ 10 phút của cuộc đời tao đọc cái quái gì?
Đó là trong Phật pháp, người ta nói Chẳng có cái tôi, cái ta. cái bản ngã nào cả. Đồng nghĩa với việc không có con chuột nào tên “chính mình” cả. Ahihi.
Đấy. Tớ nói rồi mà. Phải tỉnh táo mà cẩn thận.
Hãy cẩn thận, kể cả với chính từ Cẩn thận!
Link bài gốc ở đây ạ: https://spiderum.com/bai-dang/Hay-yeu-thuong-ban-than-a-Dung-voi-nghe-o4v