Giúp Bố Mẹ trông em

Giúp Bố Mẹ trông em

Mục lục

Giúp Bố Mẹ trông em

*

Làm anh hai là một điều thú vị
Mình học lớp 7, một ngày Bố Mẹ thông báo mình sắp có một cô em gái, cảm giác lúc đó vừa vui cũng vừa chộn rộn, không biết mình làm anh sẽ như thế nào, chắc là oai lắm, mà nếu em trai thì dễ còn em gái thì mình sẽ chơi những trò gì với nó đây… vì những năm tiểu học của chúng ta vẫn cứ hay ê a “Làm anh khó đấy, phải đâu chuyện đùa…“ suốt đó thôi!
Ngày hôm chiều mình học về, Bố chở mình vào bệnh viện để gặp em, trong một căn phòng lớn có chừng bảy tám đứa nhỏ thi nhau luyện thanh, một dàn đồng ca những tiếng khóc trẻ con, em mình đang bình thản ngủ, mặt đỏ hỏn, tóc loe hoe, dưới chân đang buộc tờ giấy nhỏ, “Lê Xuân Quỳnh, con của mẹ…”.
Những ngày đầu làm một vú em
Mớ bòng bong suy nghĩ về việc làm anh của mình cũng dần được gỡ ra từng ngày. Cái đầu tiên mình phải học là ẵm em, người lớn ai cũng nói xương em nó như xương gà, nên mình cũng sợ (run như thằn lắn đứt đuôi ), cẩn thận hết sức có thể. Rồi mình học tiếp pha sữa, làm ấm, rồi thử bằng mu bàn tay, tắm em, cắt móng tay, vệ sinh, thay tả, đi mò hái rau trai, … Con nít hay có cái vụ ọc sữa nữa, có những tối cả nhà chuẩn bị đi ngủ là Bố với mình phải lôi cái chiếu tre ra giặt giữa đêm, ôi thôi mùi vị sữa chua lúc đó thì không dễ chịu gì rồi, mà nhìn em mình nó mệt thấy thương nó ghê, hơn là mệt, là giận. Rồi có ai mà ngờ được một thằng nhóc loi choi như mình khi đó cũng biết “À ơ… hờ ơ… gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay…”, dăm ba câu như thế học lõm được từ Bà Nội và Bố mình, công nhận còn hơn thuốc ngủ, em mình nó ngủ ngon lành trong bảy nốt nhạc, mặc dù tới giờ mình cũng không hiểu lắm mấy câu hát ru đó có ý nghĩa gì : ))
Mình cũng bắt đầu làm cái mà trước đó mình luôn cho rằng rất ư là “vô nghĩa” – đó là nói chuyện với một đứa bé. Mình vốn không thường chơi đùa với con nít, cùng lắm là cười hay vẫy tay gây chú ý chút, cũng không hiểu sao nhiều người có thể nói chuyện một cách rất say sưa như kiểu “con gái ơi con tên gì”, “nói mây đi con”, “có quen tui hông mà cười”, “vỗ tay bà cho ăn bánh nè” bla bla, đứa trẻ thì cứ ê ê a a, rồi cứ thế mạnh ai nấy nói thứ ngôn ngữ của mình không quan tâm dù đối phương có hiểu hay không. Nhưng giờ chính mình lại làm điều buồn cười đó một cách vô thức mà lại phấn khích vô cùng, lạ ghê!
Tính ra hai anh em mình cách nhau hơn con giáp, cũng khá đặc biệt, một thằng anh lớp 7 ngáo ngơ, không quá nhỏ để mọi người có thể ghẹo mình sẽ bị ra rìa này nọ, những cũng không quá lớn để có thể làm tròn việc chăm sóc một đứa bé, như những điều trên có thể với các bậc làm cha mẹ thì có thể là chuyện hiển nhiên hết sức bình thường, còn mình, vụn về và lụp chụp vô cùng.
Ông bà ta hay bảo “Con nít lớn nhanh như bầu như bí”, giai đoạn những năm tuổi đầu của em mình cũng vậy, mới ập ẹ gọi ba, quay qua qua lại là đã biết lật, biết bò, chớp mắt một cái đã biết đi chập chững. Nhiều khi mình nhớ lại mà giật mình sau mọi thứ lại nhanh như vậy, nhanh một cách có chút tàn nhẫn, có chút nuối tiếc, vì cũng chính quãng thời gian này là lúc đứa con nít nó thấy cưng nhất, theo cảm nhận của mình là vậy, dù nó phá tới cỡ nào mình cũng không nỡ giận, nỡ đánh đòn, suốt ngày chỉ muốn ôm, muốn nựng, muốn hun cho đã. Cho nên cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho con lúc này, vì khi lớn thêm chút đã sang một giai đoạn khác mất rồi.
Dạy một đứa trẻ, nếu bạn nghĩ dễ thì là dễ còn nếu khó thì đúng là khó vô cùng
Quỳnh lớn hơn chút thì phải gửi nhờ một cô quen gần nhà, do ban ngày Bố Mẹ đi làm còn mình đi học. Mình học chính vào buổi chiều nên sáng lo sữa sùng đồ xong thì đặt em mình lên cái yên trước xe đạp, ngồi sau chân thì cứ bươi bươi, một tay vịn một tay lái. Vậy mà suốt cả năm mấy, tới lúc tự ngồi yên sau được thì cũng là lúc phải đi học nhà trẻ.
Em mình nó lạ là ngày đầu đi học nó không khóc, nhưng những ngày càng về sau càng khóc dữ dội. Mấy lần đưa từ cổng tới trước cửa lớp là không nhịn nổi nữa, bật khóc ngon lành, mình nhìn mình xót mà bà cô cứ xua tay “Thôi thôi em về đi, để đó cho cô”. Dù là ở nhà mình cũng có nhờ riêng các cô… Nhận ra không ổn nên nhà mình chuyển trường sang một chỗ mới, trường trong nhà thờ, học với các sơ. Em mình mới không khóc nữa, tối về cũng bắt đầu bô lô ba la suốt về chuyện ở lớp, hôm nay cô dạy bài hát mới, rồi bạn này bạn kia.
Rồi đến lúc Quỳnh bắt đầu học những con chữ, con số đầu tiên. Mình cũng xung phong, những ngày không đi học thì anh hai dạy thêm. Lúc đó mình không có gì ngoài cái uy ngất trời và một tư duy – với mình sau này đó là cả một sai lầm sư phạm – đó là: những thứ này trời nó dễ làm sao!
Mình bắt đầu ức chế và nóng giận khi em mình cứ quên đi quên lại mấy chữ cái, học qua một vòng quay lại thì đã quên sạch, làm toán cũng cộng sai tuốt, kết quả dĩ nhiên là la mắng và có cả đòn roi, em mình nó khóc nức nở trong suốt buổi học.
Mình không để ý và cũng không ai nói mình biết mình sai đúng thế nào vì Bố Mẹ thường đi làm vắng nhà, chỉ có hai anh em.
Thực ra điều này, mình nghiệm ra nhiều nhất là khi đi dạy gia sư lúc học đại học ở sài gòn. Vẫn là sự ức chế khi bạn nói mãi một vấn đề, nhưng suy nghĩ của mình lúc đó đã rộng hơn (mặc dù cô chú phụ huynh đã bật đèn xanh cho mình thoải mái từ trước). Rộng hơn tức là bạn đi tìm giải pháp thay vì ngồi một chỗ chịu đựng, chịu không nổi thì tìm nơi xả ra, nơi đó chính là cu cậu học trò và cũng là em mình ngày ấy.
Ngẫm lại, nếu bạn chịu thử xỏ chân vào một đôi giày khác, bạn sẽ thấy được những kiến thức bạn đang cố truyền đạt, ừ với bạn là hết sức bình thường, là dễ ẹc, là nhỏ xíu xìu xiu nhưng đối với người đang gồng mình lắng nghe kia là cả một ngọn núi cao khó nhọc phải vượt qua. Nếu nói gì cũng hiểu, thì chắc đã không cần bạn dạy.
Sau này mình xâu chuỗi lại, đọc thêm, nghe thêm, nhiều anh đồng nghiệp chỗ mình làm cũng có con nhỏ, những suy nghĩ về việc giáo dục, nuôi dạy con của người trẻ bây giờ đã khác xưa rất nhiều, có “thương” cũng không hẳn phải “cho roi cho vọt”, dĩ nhiên là mỗi thời có cái hay cái dở nhưng có một điều mình học được về bản chất sư phạm với trẻ nhỏ – như một người bạn của mình gần đây chia sẻ – “Hãy là một người bạn!”
Mình vẫn luôn canh cánh trong lòng về những bài học mình cố gắng nhồi nhét cho em mình… bằng cả giáo dục lẫn cưỡng chế. Đó cũng là nguồn động lực thực sự to lớn thúc đẩy mình sau này cố gắng trở thành hai trong một – “Anh hai”“Một người bạn”.
Em lớn rồi càng phải “trông”
Em mình năm nay nó đã học lớp 8 rồi, cũng cái tuổi dở dở ương ương, lớn không lớn mà nhỏ không nhỏ như mình lúc xưa. Tuổi này thì suy nghĩ muôn màu muôn vẻ, luôn muốn chứng tỏ bản thân nên dễ tự ái, tổn thương, thực sự, nên giờ chọc ghẹo nó cũng phải có điểm dừng.
Bố Mẹ mình cũng lớn tuổi, không còn quản chặt em mình như quản mình khi xưa nữa, gia đình cũng khá giả hơn, lại thêm nhiều điều thú vị đến cám dỗ đầy rẫy trên mạng, vô tình ngấu nghiến thời gian của em mình và tụi nhỏ bây giờ. Nên mình lo lắm.
May mắn là Quỳnh nó vẫn ngoan, chịu học hành, bạn bè đến nhà chơi biết thưa gửi mình cũng yên tâm. Lần đầu cô nhóc lớp trưởng em mình đến nhà, gặp mình liền ngoan ngoãn khoanh tay “Thưa chú” tỉnh queo (chắc do quên cạo râu), lần đó cả nhà được một trận cười.
Nhiều khi mình hay nhai tới nhai lui mấy việc như phải biết cảm ơn các anh chị phục vụ, phải hiểu về giá trị đồng tiền, vân vân và mây mây, em mình tính còn trẻ con vô tư lự lắm, nó cứ phàn nàn mình như ông già, đành chịu : ))
Mới năm ngoái, cả nhà muốn “lên mây” với cô chủ nhiệm khi cô điện thoại thông báo học kỳ này Quỳnh được nhất lớp, vậy mà khi cả nhà còn chưa kịp đi ăn mừng đã được tặng một gáo nước lạnh, cô xem nhầm, Quỳnh nhà ta chỉ đứng thứ sáu thôi, cả nhà nhìn nhau ngơ ngác… nhưng rồi vẫn đi ăn mừng : )) Quỳnh học tốt ai cũng cưng, nhưng mình lại thấy em mình nó biểu hiện những dấu hiệu ban đầu của chứng ngủ quên – ngủ quên trên chiến thắng, nên mình nhắc nó hoài, ở ao làng thì vậy thôi, sau này ra biển lớn cá mập nó táp cho!
Cả nhà từ Bố, Mẹ đến mình ai cũng đều là dân khoa học tự nhiên, vậy mà lọt chọt đứa út lại mang một “mối thù” với môn Toán. Đổi lại Anh văn thì cực xịn nha, cả nhà cũng đang hướng cho theo chuyên Anh luôn, sau này chưa biết làm gì nhưng được cái thích nên chịu học và dĩ nhiên, tiếng anh – chục năm nữa vẫn sẽ còn “hót hòn họt”. Nhiều lúc nghĩ chắc mình già mất rồi, thi thoảng lại lóe lên suy nghĩ Quỳnh nó sẽ theo nghiệp kỹ sư hóa dầu của mình. Nhưng biết chắc là không rồi, có theo mình cũng cản thôi, cũng giống như mình đã không là một giảng viên như Bố hay một kỹ sư nông nghiệp như Mẹ.
Hãy luôn giữ sự kết nối
Giờ mỗi lần gọi về nhà là kiểu gì em mình nó cũng hỏi “Tuần này có dìa không Hai?”, câu hỏi mình dường như đã nằm lòng, cũng như em mình chắc nó biết thừa anh nó sẽ nói “Chưa biết nữa, nếu không bận gì thì tranh thủ dìa!”.
Sự cách biệt về tuổi tác có thể dài một nhưng cách biệt địa lý có khi dài tới chín tới mười. Năm 2012, khi mình lần đầu chân ướt chân ráo lên sài gòn học, hôm chuyển đồ vào ký túc xá, em mình có đi theo, nó xách theo cho mình con chuột mickey bông của nó, chắc sợ mình buồn. Ừa mà nhiều khi cũng buồn thiệt, xa nhà thỉnh thoảng chiều đi đường tình cờ thấy gia đình người ta đang quây quần ăn cơm hay nghe đâu đó cái mùi bếp dầu lửa là buồn thúi ruột, rồi khi bất chợt văng vẳng bên tay ai kiu anh hai, chị hai là nhớ con mén em mình dã man.
Dần dà sau này, mình vẫn hay thường gọi điện về nhà, mấy lần Mẹ hỏi có nói chuyện với anh hai hông nè, nó tỉnh rụi “Dạ hôi có gì đâu mà nói”.
Em mình nó lớn dần đồng nghĩa với thế giới xung quanh nó cũng lớn theo, có nhiều mối quan tâm hơn, bạn bè, mạng xã hội, … chứ không phải chỉ có Bố Mẹ và anh hai thôi. Mình cũng hiểu. Rồi nhiều khi hai anh em nói chuyện, Quỳnh nó hỏi anh hai biết trend này đang hot hông, biết bài hát mới ra kia hông, biết ở vĩnh long có quán mì cay mới mở hông, mình thì kiểu “Mấy cái tào lao đó biết chi trời!” : ))
Nhưng có một điều mình vẫn vui là anh em mình, cũng giống như hai đứa bạn thân, dù cho có cả hai ba tháng không gặp nhau, mà một khi xáp lại thì vẫn “bung nóc nhà”. Mỗi khi về là chơi bời đủ các thể loại, karaoke, free fire, đi ăn đi uống, rồi bữa cơm tối nó lại nói xấu mấy đứa bạn nó với một niềm say mê bất tận (vẫn là những câu chuyện về trường, về lớp nghe suốt mười mấy năm ). Cũng lâu lắm không chở nó đi học nữa, hình dung trong đầu mình về lớp học em mình giờ cũng nhớ nhớ quên quên từ cái dạo đầu năm học đi họp phụ huynh do Bố Mẹ bận đi đám, lần đó vừa thấy oai oai mà cũng hơi run, ngồi chung toàn các cô chú trung niên, cô chủ nhiệm nói với cô kia nhớ về kiểm soát lại con gái, đi học mà nó quánh cái môi đỏ chét luôn, mình mém sặc cười.
Mình thấy có những chuyện bạn sẽ dễ chia sẻ với anh chị em trong nhà hơn là Bố Mẹ. Thứ nhất là khoảng cách thế hệ không quá xa nên dễ hiểu được nhau, hai là thông qua anh chị làm cầu nối, cơn “thịnh nộ” của người lớn trong nhà có thể giảm đi phần nào, anh chị thậm chí sẵn sàng là mái che cho bạn trước “làn tên mũi đạn” (nhưng thỉnh thoảng cũng là mồi lửa ). Những người anh, người chị, nhất là thứ lớn nhất trong nhà, bởi vậy mà nhiều khi “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước”, phải mềm dẻo sao cho em mình nó không ỷ lại, nó phải biết sợ, nhưng mà cũng không cần phải bị “mông nở hoa”. Nhìn xa hơn nữa, mai này khi Bố Mẹ về hưu, em bạn còn đi học thì bạn sẽ phải thay Bố Mẹ lo cho em, cứ vậy mà lo hoài, lo hoài. Giúp Bố Mẹ trông em từ lúc nhỏ, sau này vẫn trông tiếp, chắc đó cũng là một trong những sứ mệnh khi bạn đến với cuộc đời này ^^. Vì vậy mình luôn quý và nể những người bạn của mình là anh hai, chị hai trong nhà vì mình biết tiếng “Hai” không chỉ đơn giản là một danh xưng.
Lần Mẹ giận Bố, về ở về Ngoại, Quỳnh nó đi theo, chắc tầm 6, 7 tuổi rồi. Bố đến đón nó về, nó đứng ở ngạch cửa, chân trong chân ngoài, mắt thì rơm rớm nước mắt, không biết theo ai. “Tội lắm” – mình nghe Ngoại kể lại, vì thời gian đó mình đang học ở sài gòn, chỉ biết điện thoại về hỏi thăm nó, khuyên em Bố Mẹ ai mình cũng phải thương đều. Rồi cái ngày Ngoại mất, nó khóc quá chừng.
Đợt Tết rồi, nó gom góp lì xì, cả nhà cho thêm ít để mua cái smartphone, thấy cười tít mắt. Đang lo không biết có đang nuông chiều nó quá không thì Mẹ gọi, méc mình, con Quỳnh nó cứ ôm cái điện thoại suốt cả ngày. Trong thoáng nghĩ, mình quyết định sắm cho một cây ukulele để “đánh lạc hướng” nó. Ai dè hiệu quả thiệt! Tự mò mẫm học trên youtube một thời gian, thấy cũng có khiếu, lập band với mấy đứa bạn, mỗi tiết sinh hoạt lớp hay lên thể hiện ta đây, rồi về khoe với cả nhà, mình hay ghẹo nó, giờ đánh đúng hay sai mấy đứa ở dưới tụi nó cũng có biết đâu Mình thỏa thuận nếu năm nay học tốt thì nâng cấp cho lên guitar luôn, mà xui sao gặp “Cô Vi 19” nghỉ nhà gần mấy tháng nay : ))
Hiện tại, mỗi ngày mình dành khoảng 30 phút tối để nói chuyện bằng tiếng anh với em mình, dạy thêm một số cách mà người bản xứ hay nói, với nền tảng tiếng anh không tệ và gần hai năm làm dự án với mấy ông mã lay chỗ công ty cũ, chắc là không làm hư căn bản của nó : )) Trước mắt là ráng định hướng và hỗ trợ để vào được lớp 10 trường chuyên, môi trường đó sẽ giúp em mình rất nhiều sau này, chắc chắn là thế! Hy vọng âm mưu nho nhỏ này sẽ thành công!
Ngồi viết lại để nhớ
Thực ra làm cả hay làm út đều có cái sướng cái khổ của riêng nó. Làm lớn trong nhà, ừ thì oai đấy, quyền lực nắm trong tay, em nhỏ không vừa ý là cho roi cho vọt nhưng mà như câu chuyện của mình, hãy nhớ dạy trẻ, hãy dạy bằng cái tâm, đừng dạy bằng cái uy, đòn roi chỉ là hình thái thể hiện sự bất lực của bạn với bé, chỉ là nhất thời không thể lâu dài được. Còn các “út cưng”, dù được cả nhà dành hết thương yêu nhưng không phải vì thế mà hưởng thụ, muốn làm gì thì làm, Bố Mẹ, anh chị có rầy la bạn cũng là xuất phát từ ý muốn tốt cho bạn thôi, có thể góc nhìn của bạn với cuộc sống này còn rất hẹp, hãy luôn tham khảo ý kiến người lớn trong nhà ngen!
Bây giờ mình cũng gần 27 rồi, không phải còn lớp 7 nữa, có những mảnh ghép ký ức thỉnh thoảng lại hiện về rồi lại chợt rời ra trong cả miền trí nhớ của mình.
Cái lần em mình nó chơi dại, nhét cả viên socola vào mũi làm cả nhà thót tim với nó, Bố Mẹ thì lo trấn an, mình ráng móc ra mà muốn nín thở, rồi lần nó đi sang nhà hàng xóm chơi để cả nhà náo loạn đi tìm, lúc bắt được cho một roi mà gãy luôn cây thước may đồ của Mẹ. Không biết sau này còn nhớ được nhiều thứ như vậy không, em mình thì chắc là nó không nhớ gì nhiều rồi, cũng giống như chúng ta chỉ biết ngày xưa Bố Mẹ chăm mình như thế nào qua lời kể thôi, vì còn nhỏ quá mà.
Nhưng có một điều chắc chắn là sau này mình có con sẽ đỡ phải bỡ ngỡ nhiều, vì những bài học thú vị mình đều học qua cả rồi, chỉ cần ôn lại chút thôi…