Chàng trai miền Tây lạ lẫm và thích thú với món Bún Dọc Mùng Hà Nội

Bún Dọc Mùng – cái tên nghe lạ như “chưa từng quen” đối với hầu hết người miền Nam đặc biệt là ở Miền Tây. Ấy thế mà ăn một lần là nhớ mãi, nhờ từ cái tên lạ lẫm đó nhưng tính ra cũng quen thuộc, nhớ hương vị thanh thanh của nước dùng cùng những viên mọc ú ụ.

Bữa trước lỡ dịp với món này, nên hôm sau được rủ tôi liền đồng ý đi ngay. Do các tên lạ quá. Nếu ở Hà Nội, lượn 1 vòng thì hàng bún rất nhiều, đọc qua cũng có thể hình dung được: bún ốc, bún riêu, bún chả, bún đậu mắm tôm…Những loại này ít nhiều cũng đã nghe qua. Vậy còn bún dọc mùng là gì? Chắc là bún nấu “dọc mùng”. Mà một người miền Nam thì không biết dọc mùng là gì!!! Nên nhất định phải ăn.

Số may, được một thổ địa Hà Nội sành ăn dẫn đến quán bún dọc mùng trong phố cổ. Quán bún này ở phố Bát Đàn là một trong những địa chỉ rất quen thuộc đối với người dân Hà Nội. Quán bún này đã có từ rất lâu đời, nếu muốn ăn một bát bún dọc mùng đúng vị thì đây là địa điểm không thể bỏ lỡ.

Chàng trai miền Tây lạ lẫm và thích thú với món Bún Dọc Mùng Hà Nội
Hàng bún dọc mùng – 18 Bát Đàn – Địa chỉ không thể bỏ qua khi muốn thưởng thức món bún dọc mùng đúng vị

Đa phần các hàng ở Hà Nội đều có diện tích nho nhỏ, đặc biệt trong khu phố cổ thì càng bé bé xinh xinh thế này. Chúng tôi bước vào gọi 2 bát bún dọc mùng. Do đi cùng thổ địa sành ăn nên tôi giao phó việc gọi món cho chị T. Đa phần những lần ăn thì tôi đều ăn theo suất đầy đủ để cảm nhận đúng hương vị của món ăn.

Chúng tôi lên lầu ngồi đợi. Buổi sáng phố cổ yên ắng. Khung cửa sổ mở toang, chút ánh nắng lọt vào, hướng tối ngồi nhìn thấy những cành cây khẳng khiu, lá vàng lá nâu. Không khí nhẹ nhàng. Thời gian cũng chậm lại. Khung cảnh thế này thì không phải là chờ đợi. 2 bát bún được bưng lên. Rồi tôi mới biết dọc mùng là gì!

Chàng trai miền Tây lạ lẫm và thích thú với món Bún Dọc Mùng Hà Nội
Bát bún dọc mùng to tròn nóng hổi

Bún Dọc Mùng là gì?

Dọc mùng (Miền Bắc) thì là là cây bạc hà thân thuộc ở Miền Nam. Loại cây không thể thiếu trong món canh chua của Mẹ đây mà. Nhưng trong món này, dọc mùng (bạc hà) được nấu chín kỹ, còn phần mềm chứ không để giòn xốp như món canh chua.

Bát bún dọc mùng to tròn. Nước dùng thanh thanh tròn vị. Dọc mùng được nấu vẫn có màu xanh nhưng không bị dai, có thêm rau cần nước, ít rau thơm và hành. Những miếng thịt được luộc chín tới, vừa mềm lại vừa giòn giòn. Mọc rất đầy đặn, được làm cẩn thận, ăn chắc chứ không hề bị bở, cũng không bị quá mỡ hay nhiều mộc nhĩ. Sợi bún to dai dai ăn rất thích. Bún ăn kèm nước chấm. Điểm quen thuộc ở Hà Nội thường các hàng đều có sẳn “quẩy”. Buổi sáng trời còn lạnh lạnh, chấm quẩy vào nước dùng nóng hổi thì ngon tuyệt.

Gọi một bát bún dọc mùng ở đây bạn bảo đảm sẽ no “căng rốn, khỏi thở”. Giá 1 bát là 40.000 đồng, có thể sẽ hơi cao nhưng thật sự rất đáng các bạn ạ.

Chàng trai miền Tây lạ lẫm và thích thú với món Bún Dọc Mùng Hà Nội
Viên mọc căng tròn, có nấm nhĩ, ăn chắc
Chàng trai miền Tây lạ lẫm và thích thú với món Bún Dọc Mùng Hà Nội
Nước chấm ăn kèm bún dọc mùng

Bởi thế mà nhà văn Thạch Lam đã không ngớt lời viết về món bún dọc mùng (bún bung) này:

“Tôi đã toan chấm hết cái bài nói về quà bún, thì một bà hẳn cũng là một người sành ăn đến trách rằng: Anh nói đến quà bún mà không quên nói đến quà bún bung thì hẳn ra là một sự bất công. Vì bún bung là một thứ quà ngon lắm, mà lại là một món quà rất Việt Nam.

Tôi biểu đồng tình, và vội vàng bổ vào chỗ khuyết điểm ấy, để khỏi phụ lòng những bà sành ăn bún, và khỏi phụ công những cô hàng sớm gánh nồi bún nóng đi rao khắp phố phường. Tôi còn nhớ rõ trên đầu lưỡi, tê như một lượt rùng mình nhẹ, cái vị đậm ngọt và hơi ngưa ngứa của những miếng dọc sơn hà. Cái thứ rau này, sao mà đi với bún hay thế! Tựa như trời sinh ra để nấu bún, và cái hòa hợp dịu dàng không ở đâu là không có, trong một tác phẩm văn chương cũng giống như trong một nồi bung nấu khéo.

Cây sơn hà (cây mùng) vốn là những giống tựa như cây khoai mà lá to, cù thì nhỏ và tròn như quả trứng, luộc lên ăn cũng ngon. Dọc cây, người ta tước vỏ và chẻ nhỏ, nấu kỹ cho rõ nhừ. Một vài miếng đầu mẩu sườn để lấy nướng ngọt, một ít nghệ để nhuộm thức ăn ấy một màu vàng đầm ấm như màu vàng của ráng chiều những ngày mùa hạ. Thêm dăm quả cà chua đỏ, một vài miếng đu đủ xắt vuông, màu trong mỡ như ngọc quý. Chừng thứ ấy mà có sợi bún trắng vắt qua, như một cái dây liên lạc những thức thực xa nhau, mà vì sự sành ăn của loài người bỗng chốc nên gần gụi. Thế là bát bún bung không biết bao nhiêu vị điểm lẫn cho nhau như các tiếng của bản đàn. Nếu ngài lại thích ăn cay nữa, thì mấy nhát quả ớt chỉ thiên, đủ khiến chi vị quà thêm cái nóng rực rỡ và thắm màu của những gia vị lạ nơi Ấn Độ.”

Bạn đã từng ăn món bún dọc mùng này chưa? Hãy chia sẻ khẩu vị của bạn tại đây nhé!