6 hiệu ứng tâm lý giúp lôi kéo khách hàng trên Facebook Ads (P.1)

6 hiệu ứng tâm lý giúp lôi kéo khách hàng trên Facebook Ads (P.1)

Nội dung và thông điệp của bạn chất lượng là một chuyện, chúng còn phải khiến khách hàng thấu hiểu, đồng cảm nữa mới được gọi là thành công. Muốn dễ dàng thu hút đối tượng mà mình nhắm đến, ngoài yếu tố đó ra, nhà quảng cáo phải biết lợi dụng các hiệu ứng tâm lý.

Đồng ý rằng không phải ai cũng là chuyên gia tâm lý học nên 6 hiệu ứng dưới đây sẽ được giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu nhất để bất cứ nhà quảng cáo nào cũng có thể nắm bắt được.

Hiệu ứng về tâm lý và nhận thức được định nghĩa là các hành vi lặp đi lặp lại, tạo thành “lối mòn” trong hành động khi con người cân nhắc, nhận xét, ghi nhớ, quyết định vấn đề bất kỳ nào đó, tương tự như một dạng bản năng.

#1: Tâm lý bầy đàn

Còn được gọi là hiệu ứng đoàn tàu, tâm lý đám đông… Ngày nay, nó đã trở thành khái niệm quá đỗi quen thuộc. Về cơ bản, mỗi con người (1) thường có xu hướng “cả tin” vào những điều đã được phần đông xã hội (2) thừa nhận. Tập hợp (2) càng lớn, khả năng (1) bị “dắt mũi” càng cao.

Lợi dụng tâm lý đó, nhà quảng cáo thường tạo ra các tập hợp (2) gồm những người (thực sự, hoặc ít nhất tỏ ra) quan tâm, yêu thích và dành lời khen cho dịch vụ/sản phẩm của họ, từ đó xây dựng đòn bẩy về lòng tin để lôi kéo “chú cừu” (1) nào vẫn còn đang ngơ ngác vào cùng một đàn.

Những yếu tố củng cố niềm tin khiến “con mồi” dễ rơi vào bẫy hơn bao gồm người nổi tiếng, thần tượng, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nhà quảng cáo phải tạo được một tập hợp (2) đủ lớn thì tâm lý bầy đàn mới có thể phát huy tác dụng.

#2: Hiệu ứng đảm bảo

Khi đứng giữa ngã ba đường và buộc phải đưa ra lựa chọn, hầu hết chúng ta đều đi theo phương hướng trông có vẻ an toàn, ít nguy cơ tiềm ẩn nhất. Lợi dụng tâm lý này, nhà quảng cáo sẽ áp dụng các chương trình khuyến mãi, chẳng hạn như “Dùng thử – Cam kết hoàn tiền nếu chưa hài lòng”, hoặc tạo cho khách hàng cảm giác họ tuyệt đối không bao giờ phải chịu thiệt thòi nếu sử dụng sản phẩm/dịch vụ.

Chiến lược này đặc biệt hiệu quả với những khách hàng mới tiếp cận lần đầu tiên và đang đưa ra quyết định liệu có nên trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ của bạn hay không.

#3: Thiên kiến xác nhận

Thiên kiến xác nhận, hay thiên kiến khẳng định, khiến con người mặc định ngả về hướng nào phù hợp với giả thuyết hoặc kinh nghiệm của họ, đặc biệt ở các vấn đề về tinh thần, niềm tin… Thay vì chủ động học hỏi và chấp nhận thông tin, kiến thức mới, bản năng sẽ làm chúng ta tìm mọi cách biện hộ, chứng minh rằng những quan niệm vốn đã tồn tại sẵn trong tiềm thức là chuẩn xác, đơn giản vì như thế đỡ phức tạp, tốn ít công sức hơn.

Thậm chí đến các nhà khoa học hàng đầu đôi khi cũng không thoát khỏi thiên kiến của chính bản thân mình nên nếu người làm quảng cáo khai thác được đúng vào điểm yếu tâm lý này, khách hàng sẽ nhanh chóng “quy phục” mà thôi.

Ví dụ, các nhãn hàng sữa luôn rêu rao trên quảng cáo rằng DHA là dưỡng chất giúp trẻ em thông minh hơn dù chưa có bằng chứng khoa học nào xác nhận điều này. Tuy vậy, trên thực tế, các bà mẹ cũng không mấy bận tâm đến việc xác minh nó đúng hay sai vì quan niệm đó vốn dĩ đã “đóng đinh” chặt trong đầu họ từ trước rồi.