Mục lục
Bạn có thể nhớ về 2019 với nhiều nỗi buồn, nỗi thất vọng và tai tiếng. Nhưng bạn cũng có thể nhớ về 2019 như một năm với nhiều thành tựu, nhiều sự bùng nổ và nhiều khoảnh khắc vỡ òa.
Cái xấu và cái tốt vẫn luôn song hành, từ năm này sang năm khác, từ thập niên này sang thập niên khác. Quan trọng là chúng ta vẫn đang nỗ lực mỗi ngày, bài đi cái xấu, vun vén cái tốt, đẩy Việt Nam từng bước chuyển mình đến một ngày mai tươi sáng hơn.
Sáng tạo chân chính cũng không nằm ngoài mục đích đó. Hãy cùng AIM điểm lại những sự kiện minh chứng cho những nỗ lực sáng tạo để thay đổi trong năm 2019.
1. SỐNG XANH KHÔNG CÒN LÀ TRÀO LƯU, NÓ ĐÃ TRỞ THÀNH XU HƯỚNG!
Bảo vệ môi trường vốn đã là một câu chuyện cũ mèm, nay được khơi lên, mai chẳng ai nhớ. Mãi đến năm 2019, chúng ta mới được chứng kiến một sự đồng lòng đến ngạc nhiên trong việc chung tay bài trừ rác thải.
“Thử thách dọn rác” ban đầu chỉ là một chiến dịch từ nước ngoài, nhưng rất may là không “sớm nở tối tàn”, nó được người trẻ Việt Nam hưởng ứng với một thái độ quyết tâm chưa từng có. Cùng với sự hỗ trợ của mạng xã hội, những bức ảnh before-after bắt đầu làm thay đổi cái nhìn của cộng đồng. Người ta bắt đầu nhận ra lượng rác thải chúng ta đẩy ra môi trường khổng lồ đến mức nào, người ta bắt đầu quan ngại cho môi trường sống của mình trong vài năm tới. Người ta bắt đầu thấy “sai sai” khi xả ra một mẩu rác, bắt đầu áy náy khi dùng một chiếc túi nylon, một chiếc ly nhựa một lần.
Các thương hiệu cũng đồng loạt kêu gọi mọi người sử dụng bình nước cá nhân, hạn chế túi nylon không cần thiết, thay ly nhựa, ống hút nhựa bằng những vật liệu có khả năng phân hủy và tái chế. Các bài viết truyền cảm hứng “sống xanh” được chia sẻ mỗi ngày trên mạng xã hội…
Năm 2019, chúng ta nghiêm túc trăn trở về những giải pháp cải thiện môi trường. Dù còn nhiều hoang mang, bối rối, chúng ta có quyền tin rằng môi trường sẽ được nâng niu, trân trọng hơn, nhờ sự sáng tạo và trái tim của cả một thế hệ.
2. MẠNG XÃ HỘI MADE-IN-VIETNAM RA ĐỜI, HƯỚNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG NỘI DUNG “SẠCH”
Chúng ta bảo vệ môi trường sống, mà đôi khi quên mất còn một môi trường khác đang ô nhiễm trầm trọng cùng với sự phát triển quá nhanh của đời sống – môi trường thông tin.
Sự bùng nổ của các mạng xã hội và nội dung số đẩy người ta vào một vũng lầy thông tin đúng nghĩa. Tin vịt, tin rác, tin lừa đảo, tin bạo lực… vẫn bủa vây lấy người dùng mỗi ngày. Hiện tượng trẻ em, thanh thiếu niên thần tượng các “giang hồ mạng” như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Quang Rambo thực sự nhắc nhở chúng ta về vấn đề tiếp cận thông tin của giới trẻ.
Năm 2019, Lotus, một mạng xã hội made-in-Vietnam chính thức ra đời, nhắm đến “nội dung chất lượng” và “trải nghiệm người dùng”. Lotus vừa mong muốn tạo ra một hệ sinh thái nội dung trong lành cho người dùng, vừa khuyến khích những người làm sáng tạo sản xuất ra những nội dung chỉn chu và có chất xám.
Xây dựng và phát triển được một mạng xã hội lớn mạnh không phải là chuyện dễ dàng và một sớm một chiều. Chúng ta vẫn chưa nói trước được Lotus liệu có thành công với sứ mệnh của mình hay không. Nhưng ít nhất, có một lớp người đã và đang quan tâm hơn đến việc nâng cao tiêu chuẩn về sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.
3. ÂM NHẠC KHƠI DẬY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC
Chất liệu dân gian, dân tộc vốn là một kho tàng giàu có mà trước nay không ít nghệ sĩ tìm đến và thêm thắt cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên, vẫn rất ít tác phẩm tạo được tiếng vang và gọi là có-thể-cảm-được đối với giới trẻ.
Nhưng trong năm 2019, lứa nghệ sĩ trẻ của chúng ta, với sự biến hóa linh hoạt đầy táo bạo, đã làm cho những tác phẩm văn học Việt Nam sống lại và khiến khán giả phải say mê, phát cuồng.
Chúng ta có Chi Pu với “Anh ơi ở lại” cùng một góc nhìn khác từ cổ tích Tấm Cám quen thuộc. Có Hoàng Thùy Linh với “Để Mị nói cho mà nghe” nối truyền thống với âm nhạc hiện đại. Có Đức Phúc và “Hết thương cạn nhớ” trên nền câu chuyện Chí Phèo – Thị Nở. Có Bùi Lan Hương và một “Mặt trăng” đặc biệt đẹp, một truyền thuyết đặc biệt buồn thời Mị Châu – Trọng Thủy.
Chúng ta cũng thấy âm hưởng dân gian đi vào âm nhạc (album “Hoàng” – Hoàng Thùy Linh) và hình ảnh nghệ thuật (MV “Tự tâm” – Nguyễn Trần Trung Quân). Tất cả được đầu tư nghiêm túc, không truyền thống “nửa mùa”.
4. NĂM BÙNG NỔ CỦA VLOG – TỪ BÌNH THƯỜNG THÀNH HIỆN TƯỢNG
Năm 2019 chứng kiến những trường hợp “phất” lên thành hiện tượng chỉ sau vài đêm chớp nhoáng: Bà Tân, 1977, Quỳnh Trần JP… Điều đáng nói họ đều là những con người bình thường, thường đến mức không thể nào thường hơn. Họ không phải những hot boy, hot girl, không quay video tiền tỉ, không chiêu trò câu view.
Có nhiều góc nhìn để giải mã các hiện tượng này, nhưng dễ thấy nhất, đó là người dùng ngày nay thích những kiểu giải trí sáng tạo nhưng chân thật, nhìn vào nội dung nhiều hơn hình thức. Các vlogger thời đại mới tạo nên một định nghĩa khác cho sáng tạo nội dung – không phải cứ nhiều tiền thì mới làm được video.
Bên cạnh các “hiện tượng” trên thì rất nhiều các Vlogger Việt khác cũng đang làm việc chăm chỉ mỗi ngày để tạo ra những nội dung lành mạnh và có giá trị cho cuộc sống.
Chúng ta được học tiếng Anh theo kiểu độc lạ cùng Hana Lexis, thích thú với những chia sẻ về lifestyle của Giang Ơi, đi nhiều nơi, ăn nhiều món ăn với Khoai Lang Thang – anh chàng có nụ cười tỏa nắng. Video “Việt Nam chuyện chưa kể”, hashtag #gomgópchânthành và dự án xây dựng sân chơi cho trẻ em nghèo đạt được sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
5. ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM THỂ HIỆN BẢN LĨNH TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ
Tháng 2/2019, “Hai Phượng” chính thức công chiếu, lập nhiều kỉ lục tại Việt Nam. Ngoài ra, bộ phim đáp ứng mọi tiêu chuẩn để đại diện điện ảnh Việt Nam tiến tới giải Oscar lần thứ 92 danh giá. Đây cũng là phim Việt đầu tiên được mua bản quyền trình chiếu tại Mỹ và Trung Quốc, được đề cử hạng mục phim xuất sắc và nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim châu Á Osaka.
Tháng 5/2019, “Vợ ba” ra mắt sau màn chinh chiến ngoạn mục tại các liên hoan phim quốc tế. Dự án thắng giải Grand Prix tại Hong Kong Asia Film Forum 2016. Khi hoàn thành, bộ phim đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế Toronto (Canada), San Sebastián (Tây Ban Nha), Chicago (Mỹ) và được mua bản quyền trình chiếu tại nhiều quốc gia.
Những người làm nghệ thuật như Ngô Thanh Vân hay Nguyễn Phương Anh đang từng bước nâng điện ảnh nước nhà lên một tầm cao mới, dần tạm biệt với kiểu điện ảnh “mì ăn liền”, hứa hẹn nhiều triển vọng trong tương lai.
6. TRUYỀN HÌNH – REMAKE MỘT CÁCH CHỈN CHU
Remake những tác phẩm đã có là một cách làm không mới. Nhưng sau nhiều lần ăn “bom xịt”, khán giả cuối cùng đã được thưởng thức những bản Việt hóa chỉn chu và có chất riêng so với bản gốc.
“Chạy đi chờ chi” là sản phẩm remake của “Running man”, một chương trình đã quá nổi tiếng tại Hàn. Không ít người lo ngại bản Việt sẽ flop vì không vượt qua được cái bóng quá lớn của bản Hàn. Nhưng ekip đã Việt hóa khá thành công các thử thách và khiến khán giả trông mong từng tập với những nụ cười sảng khoái.
“Mối tình đầu của tôi” cũng là người em sinh sau đẻ muộn của “She was pretty”, nhưng vẫn ăn điểm nhờ dàn diễn viên trẻ trung, xinh đẹp, những phân cảnh lãng mạn và thay đổi ở đoạn kết viên mãn hơn so với bản gốc.
“Về nhà đi con” thì được lấy cảm hứng từ chính bộ phim Việt Nam năm 2013 “Khi người đàn ông góa vợ bật khóc”. Phiên bản 2019 trở thành bộ phim truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất trong năm và sở hữu nhiều câu nói trở thành bão trend.
7. VIỆT NAM VÔ ĐỊCH LIÊN QUÂN MOBILE THẾ GIỚI – BƯỚC NGOẶT CỦA THỂ THAO ĐIỆN TỬ
Arena of Valor World Cup 2019 (tên quốc tế của Liên Quân Mobile) đã xướng tên Team Flash – đại diện Việt Nam cho ngôi vô địch. Các chàng trai đã vượt qua đối thủ được mệnh danh mạnh nhất thế giới là Mad Team của Đài Bắc Trung Hoa để giành chiến thắng chung cuộc. Một khoảnh khắc không thể nào quên đối với những fan hâm mộ Liên Quân.
Nhưng đó không chỉ là một chức vô địch. Đó là cột mốc mới của Esports Việt, một kỳ tích được tạo nên bởi “những đứa trẻ mê game”, để chứng minh rằng niềm đam mê của họ không phải là một thứ gì trẻ con, vô bổ.
Người ta bắt đầu nhìn nhận game là một môn thể thao, và game thủ được xem là một nghề nghiệp chân chính. Esports Việt kể từ 2019 bắt đầu bước sang một trang mới, rất mới.
8. NTK CÔNG TRÍ VÀ 20 NĂM MANG THỜI TRANG VIỆT RA THẾ GIỚI
BST “Đi nhặt hạt sương nghiêng” của nhà thiết kế Công Trí ra mắt tháng 9 năm nay tại New York Fashion Week đã đưa những khán giả có mặt đi từ cung bậc này đến cung bậc khác của cảm xúc. Vẻ đẹp của cuộc sống được gửi gắm vào 60 thiết kế lộng lẫy một cách tinh tế.
Tối ngày 27/12, triển lãm “Cục im lặng” tổng kết 20 năm thầm lặng làm nghệ thuật, làm thay đổi bộ mặt thời trang Việt Nam và mang nó ra thế giới. 20 năm đứng ngoài những phô trương, những thị phi, im lặng quan sát, im lặng nghiên cứu và im lặng sáng tạo.
Công Trí cùng với những cái tên khác như Đỗ Mạnh Cường, Phương My, Lê Thanh Hòa… là những người vẫn đang miệt mài làm tốt lĩnh vực của mình, theo đuổi sự sáng tạo duy mỹ.
9. NHẠC INDIE LÀM NÊN CHUYỆN, MỞ RA KHÔNG GIAN SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT CHO GIỚI TRẺ
Trong năm qua, những Đen Vâu, Thái Vũ, Nhạc của Trang, Cá Hồi Hoang… đã bắt đầu đưa nhạc indie vào dòng chảy chung của âm nhạc đại chúng. Indie được công chúng biết đến và đón nhận nhiều hơn với nhiều album và MV chất lượng.
Vậy indie có tạo nên sự thay đổi tích cực nào trong thị trường âm nhạc? Indie là dòng nhạc độc lập, nghĩa là nghệ sĩ tự bỏ tiền ra làm sản phẩm, do đó không phải chịu những áp lực vật chất đến từ công ty chủ quản. Nhờ vậy mà nhạc indie giữ được cái chất “bay”, tự do và phóng khoáng. Nó tạo điều kiện để người làm nhạc tiến đến gần hơn với những giá trị nghệ thuật đích thực, cho phép người trẻ có không gian để nói lên những suy nghĩ của mình.
VẬY CÒN BẠN, LIỆU BẠN CÓ THỂ TRỞ THÀNH MỘT HIỆN TƯỢNG SÁNG TẠO NĂM 2020?
Rất nhiều sự kiện trong năm qua đã chứng minh: Bất kì ai, dù là những người bình thường nhất, cũng có thể sáng tạo. Sáng tạo để làm cho thế giới này tốt đẹp hơn một chút.
Bạn có thể không? Hãy để lại ý kiến của bạn bên dưới bình luận.